Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật, 1 Nghị quyết và 1 Pháp lệnh (Pháp lệnh Quản lý thị trường) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11. Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đến tham dự và giới thiệu những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quản lý thị trường là một trong những lực lượng chủ công trong công tác bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại và đã có quá trình gần 60 năm xây dựng, trưởng thành gắn với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước đây, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của quản lý thị trường đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho hiệu quả hoạt động của quản lý thị trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đặt ra trong tình hình mới. Bên cạnh đó, trong điều kiện hoạt động kinh doanh thương mại có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, các quy định pháp luật chưa thống nhất về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của quản lý thị trường nói riêng và của các cơ quan quản lý chuyên ngành nói chung đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế làm suy giảm hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật ở thị trường trong nước.

 

Chính vì vậy, việc luật hóa địa vị, tổ chức, quyền hạn của quản lý thị trường hiện nay là yêu cầu tất yếu khách quan, cấp yếu và quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ là xây dựng lực lượng quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ, phù hợp với Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 03/01/1996 của Bộ Chính trị.

 

Một số nội dung mới đạt được của Pháp lệnh Quản lý thị trường bao gồm: Nâng cao địa vị pháp lý của lực lượng quản lý thị trường; Công khai, minh bạch hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của quản lý thị trường; Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; Quy định cụ thể về vị trí, chức năng và phạm vi kiểm tra của quản lý thị trường; Nâng cao công tác phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả hàng cấm và gian lận thương mại; Nâng cao các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của quản lý thị trường và chế độ chính sách cho công chức quản lý thị trường; hợp tác quốc tế liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; Quy định vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương/Cục Quản lý thị trường