Bộ Công Thương đang xây dựng đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam thời kỳ 2015-2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu lớn nhất của đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng thị trường XK.
Đề án sẽ tập trung vào “đầu tư” cho những mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế XK và sẽ có lợi thế XK. Cụ thể, trong nhóm hàng nông lâm thủy sản, các mặt hàng đang có lợi thế XK như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm chế biến từ sắn, rau quả. Các mặt hàng sẽ có lợi thế XK như chè, mật ong.
Với nhóm hàng công nghiệp, Bộ Công Thương vẫn xác định dệt may, giày dép, đồ gỗ, vali túi xách, điện thoại các loại và linh kiện, máy tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, nhựa và sản phẩm nhựa, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, dây điện, cáp điện vẫn sẽ là những mặt hàng có lợi thế XK.
Ở Đề án này, Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 xây dựng thương hiệu sản phẩm cho 30 sản phẩm XK trở lên, xây dựng thương hiệu DN cho 100 DN XK trong nước trở lên, con số này sẽ tăng lên 80 và 300 vào năm 2030.
Nguồn: Radiovietnam.vn