Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2016, cả nước xuất siêu 1,36 tỷ USD, gấp đôi con số ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê. Đóng góp phần lớn cho hoạt động xuất siêu những tháng qua đến từ khối DN FDI. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của DN FDI đạt 49,77 tỷ USD, tăng 3,3%, tương ứng tăng 1,59 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. DN FDI xuất siêu tới 4,79 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.
Thoạt nhìn, con số xuất siêu ít nhiều mang lại dấu hiệu vui cho cán cân thanh toán nhưng thực tế, về lâu dài, đây là điều đáng lo ngại. Kim ngạch xuất khẩu tăng thấp (tăng 4,1%) cộng với nhập khẩu giảm (giảm 4,8% đối với các DN nội và 7,7% với DN FDI) là nguyên nhân chính khiến xuất siêu tăng cao, không phải do giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng tốt. Hơn nữa, nhập khẩu thấp, nhất là ở nhóm DN FDI sẽ khiến sản xuất hàng hóa xuất khẩu những tháng tiếp theo khó khăn hơn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Thị Mùi, giải pháp được đưa ra trong ngắn hạn, cần tính đến tăng tổng cầu để kích thích sản xuất, tiêu dùng phát triển; đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần ban hành chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt DN mới thành lập.
Dù còn không ít lo ngại hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu quý I tác động tới các tháng tiếp theo của năm, nhưng nhiều DN vẫn lạc quan, quý II sản xuất sẽ phục hồi tích cực.
Kết quả điều tra của Thổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: 53,3% số DN đánh giá xu hướng quý II sẽ tốt lên; 35,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 11,2% số DN dự báo khó khăn hơn. Tương tự, về khối lượng sản xuất, 54,2% DN dự báo tăng lên; 35,2% số DN cho rằng ổn định và 10,6% lo ngại khối lượng sản xuất sẽ giảm. Đối với đơn đặt hàng nói chung, đơn hàng xuất khẩu nói riêng, hơn 50% DN lạc quan quý II tiếp tục khả quan ở mức tăng hoặc ổn định, chỉ có 11-12% DN lo lắng đơn hàng sẽ giảm. Đáng chú ý, DN còn khá lạc quan về chi phí sản xuất, khi có tới 70% DN dự kiến chi phí sản xuất ổn định.
Trong ngắn hạn, cần tính đến tăng tổng cầu để kích thích sản xuất, tiêu dùng phát triển; đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn.
Nguồn: baocongthuong.com.vn