Thị trường

Từ đầu năm cho đến hết tháng 2/2016, giá thuốc ổn định, nguồn cung thuốc trên thị trường đáp ứng đủ nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân.

Theo thông tin về giá thuốc kê khai lại trên trang điện tử của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, không có mặt hàng thuốc nhập khẩu kê khai lại giá (tăng giá).

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá thuốc trên thị trường ổn định là do nguồn cung thuốc dồi dào; sự chủ động của Bộ Y tế và các địa phương về đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân; việc tăng cường xem xét giá thuốc kê khai của  Bộ Y tế và Sở Y tế.

Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tháng 2/2016 so với tháng 1/2016 là  giảm 3,23%, nhưng  tăng  4,4% so với tháng 2/2015. Tính chung 2 tháng 2016, chỉ số tiêu thụ mặt hàng này tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tính từ thời điểm 01/03/2016 so cùng với thời điểm tháng trước giảm 2,1% và  so với cùng thời điểm năm 2015 giảm 3,8%.

Nhập khẩu

Tiếp tục đà suy giảm kim ngạch từ tháng đầu năm, sang tháng 2/2016, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm giảm so với tháng 1, giảm 10%, tương ứng với 177,5 triệu USD, tính chung từ đầu năm cho đến hết tháng 2/2016, cả nước đã nhập khẩu 375,5 triệu USD hàng dược phẩm, tăng 46,78% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập hàng dược phẩm từ 28 quốc gia trên thế giới, trong đó Ấn Độ là thị trường chính cung cấp hàng dược phẩm cho Việt Nam từ đầu năm đến nay chiếm 12,2% tổng kim ngạch, đạt 46,1 triệu USD, tăng 51,61%. Tính riêng tháng 2/2016, Việt Nam đã nhập khẩu hàng dược phẩm từ thị trường Ấn Độ 16,9 triệu USD, giảm 72,2% so với tháng 1/2016.

Nguồn cung lớn thứ hai là thị trường Pháp, đạt 36,8 triệu USD, tăng 20,27% kế đến là Đức, tăng 29,79% đạt 30,6 triệu USD…

Nhìn chung, 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng dược phẩm đều tăng trưởng dương ở các thị trường, số thị trường tốc độ tăng trưởng dương chiếm 81,4%, trong đó nhập khẩu từ thị trường Indonesia tăng mạnh nhất, tăng 250,26%, tuy kim ngạch chỉ đạt 11,9 triệu USD, tăng mạnh đứng thứ hai là Hoa Kỳ tăng 229,29%, Philippines tăng 02,36%... Ngoài ra, nhập hàng dược phẩm từ một số thị trường với tốc độ tăng nhẹ như: Ba Lan tăng 0,5%, Malaysia tăng 9,35% và Đài Loan tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, tốc đô nhập khẩu từ các thị trường với tốc độ tăng trưởng âm chỉ chiếm 18,5%, trong đó nhập từ thị trường Canada giảm mạnh nhất, giảm 35,06% và từ Australia giảm nhẹ nhất, giảm 3,18%, tương ứng lần lượt với 639 nghìn USD và 9,4 triệu USD.

Thống kê thị trường cung cấp hàng dược phẩm cho Việt Nam 2 tháng 2016

ĐVT: USD

2 tháng 2016

2 tháng 2015

So sánh +/- (%)

Tổng cộng

375.569.862

255.872.651

46,78

Ấn Độ

46.190.523

30.467.198

51,61

Pháp

36.845.903

30.636.627

20,27

Đức

30.633.537

23.602.530

29,79

Hàn Quốc

28.335.939

20.279.816

39,72

Hoa Kỳ

26.858.161

8.156.386

229,29

Anh

25.690.925

11.497.142

123,45

Italia

24.509.819

14.685.680

66,90

Thuỵ Sỹ

15.416.941

13.131.581

17,40

Indonesia

11.966.661

3.416.544

250,26

Thái Lan

11.863.646

8.631.740

37,44

Australia

9.453.627

9.764.536

-3,18

Bỉ

8.961.525

9.623.862

-6,88

Tây Ban Nha

7.780.526

6.016.647

29,32

Thuỵ Điển

7.710.471

5.510.236

39,93

Trung Quốc

7.612.828

6.291.864

20,99

Áo

6.935.260

5.735.651

20,91

Ba Lan

6.355.028

6.323.465

0,50

Nhật Bản

3.973.206

1.933.015

105,54

Đan Mạch

3.893.584

2.725.982

42,83

Hà Lan

3.541.791

2.752.265

28,69

Xingapo

2.704.946

2.870.890

-5,78

Malaixia

2.490.722

2.277.680

9,35

Đài Loan

2.234.852

2.099.744

6,43

Philippin

2.002.586

662.315

202,36

Achentina

1.520.019

2.023.929

-24,90

Canada

639.012

984.059

-35,06

Nga

74.738

31.905

134,25

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ của TCHQ)

Thời gian vừa qua, thông tin nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc Salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích. Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 21590/QLD-KD ngày 20/11/2015 thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.

Theo yêu cầu của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn về việc tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng thực hiện thủ tục nhập khẩu đối với mặt hàng là các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol theo các đơn hàng đã được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu cho đến khi có thông báo mới.

Tuy nhiên, trường hợp hàng hóa nhập khẩu là các thuốc thành phẩm chứa các hoạt chất trên thì không bị tạm dừng nhập khẩu nếu đáp ứng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Dược 2005, Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg ngày 12/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại Việt Nam, Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

Được biết, Salbutamol và Clenbuterol là hai chất có tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người. Người sử dụng thịt lợn nuôi bằng hai chất trên sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc rất cao. Ngộ độc Clenbuterol, Salbutamol ở người sẽ gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, gây biến chứng ung thư... Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người.

Như vậy, căn cứ hướng dẫn nêu trên của Tổng cục Hải quan, các Chi cục Hải quan cửa khẩu cần lưu ý phân biệt rõ nguyên liệu và thuốc thành phẩm có chứa Salbutamol và Clenbuterol khi làm thủ tục nhập khẩu cho mặt hàng này.

Nguồn: Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC/Haiquan.hochiminh.gov.vn

Nguồn: Vinanet