Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA) là một tổ chức khoa học quốc tế độc lập, phi chính phủ, được thành lập vào năm 1972 và có trụ sở tại Laxenburg, Cộng hòa Áo. IIASA là nơi tập hợp hơn 300 nhà quản lý, nhà khoa học và kinh tế từ hơn 45 quốc gia, trong đó có nhiều học giả nổi tiếng thế giới từng đạt giải Nobel, tiến hành nghiên cứu và liên kết với các mạng lưới nghiên cứu trên toàn cầu để thu thập, xử lý dữ liệu, từ đó đưa ra các mô hình khoa học tiên tiến.
Các nghiên cứu của IIASA hướng tới việc cung cấp kiến thức chuyên sâu, giải pháp hữu hiệu cho những thách thức về chính sách và quản lý trong các vấn đề mang tính toàn cầu, quá rộng lớn và phức tạp để có thể giải quyết bởi một nước đơn lẻ. Với chiến lược đến năm 2020, IIASA sẽ tập trung nghiên cứu vào các lĩnh vực rất cơ bản và có ý nghĩa thời sự, đó là: năng lượng, biến đổi khí hậu, lương thực, nước, đói nghèo và bình đẳng.
Từ tháng 11 năm 2013, Việt Nam đã chính thức gia nhập IIASA. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao là Tổ chức Thành viên Quốc gia đại diện cho Việt Nam.
Tại cuộc họp, IIASA đánh giá cao vai trò của Việt Nam, là một nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực ASEAN và châu Á. Tiến sỹ Pavel Kabat đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt với xu thế chung của thế giới, trong thời gian gần đây việc sản xuất và sử dụng năng lượng củaViệt Nam đang có sự dịch chuyển từ năng lượng truyền thống: than đá, dầu mỏ sang các dạng năng lượng thay thế, năng lượng tái tạo… Trong quá trình chuyển đổi này, việc xây dựng mô hình hỗn hợp tối ưu hóa các lĩnh vực: sản xuất, tiêu thụ và sử dụng năng lượng trở nên hết sức cấp thiết, sẽ có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển bền vững.
Nghiên cứu chung về chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam là một ví dụ điển hình giúp IIASA làm phong phú thêm kinh nghiệm và kiến thức chung trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc hợp tác với IIASA sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc trao đổi thông tin, học tập kiến thức cũng như kinh nghiệm quốc tế về chính sách an ninh năng lượng, hỗ trợ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển bền vững.
Hai bên đã trao đổi về tiềm năng hợp tác, cách thức triển khai giữa Việt Nam và Viện IIASA. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh Việt Nam với tư cách là một thành viên mới, có nền kinh tế đang phát triển, cùng với xu thế chung của thế giới, đang phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề thiếu hụt năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu…, rất cần sự hỗ trợ từ phía IIASA trong việc nâng cao năng lực, chuyên gia nghiên cứu giúp Việt Nam đảm bảo bắt kịp xu thế tri thức, công nghệ để phát triển kinh tế một cách bền vững.
Tổng Giám đốc IIASA Pavel Kabat cám ơn sự quan tâm của Thứ trưởng đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như các chính sách phát triển bền vững. Với việc coi Việt Nam như một đối tác chiến lược lâu dài, hai bên cùng có lợi, ông mong rằng Viện IIASA và các cơ quan Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng sẽ có thể đề xuất, triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương cụ thể trong thời gian tới.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương/Vụ Hợp tác Quốc tế