Sáng nay (10/6), Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều năm 2015 được tổ chức tại TPHCM, tiếp nối hội nghị được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 5/6 vừa qua. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công thương, lãnh đạo UBND TPHCM, tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương và các bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết Hội nghị là cơ hội thực hiện xúc tiến thương mại vải thiều, khai thác tiềm năng các địa phương.

Năm 2014, TPHCM, sản lượng tiêu thụ vải thiều đạt 60.000 tấn, gấp đôi năm 2013. Con số này năm nay dự kiến tăng lên  80.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với năm trước. Trong năm nay, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ động gặp gỡ đơn vị cung ứng và đưa vải thiều vào phía Nam.

Tuy nhiên, bà Hồng thẳng thắn đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng vải thiều cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Thứ nhất, bà Hồng đề nghị cần áp dụng công nghệ để kéo dài thời gian lưu trữ, không dùng hóa chất, đảm bảo chất lượng tiêu thụ vải thiều. Theo bà Hồng, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Bộ Nông nghiệp cần có biện pháp cải tiến và áp dụng kỹ thuật.

Thứ hai, hiện nay trái vải mới chỉ được sử dụng chủ yếu ăn tươi, chưa chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác. Mùa vải chỉ vào mùa vụ trong một tháng nên thị trường phải tập trung tiêu thụ cho hết. Do đó, bà Hồng cho rằng các doanh nghiệp nên nghiên cứu thêm việc chế biến vải thiều thành các sản phẩm thương mại khác.

Kèm theo đó, cần có biện pháp kéo dài thời gian tiêu thụ và đa dạng sản phẩm. Bà Hồng nêu ví dụ trái dừa Bến Tre hồi đầu cũng gặp khó khăn trong việc đa dạng sản phẩm nhưng đã thực hiện được. Do đó, nên nghiên cứu cách chế biến trái vải thành nhiều sản phẩm khác nhau.

Thứ ba, cần xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm vải, qua nhiều khâu sản xuất – thu mua – phân phối... "Không thể cứ mỗi năm lại tổ chức một buổi triển khai, nên có một kế hoach giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu mối của hai tỉnh để liên kết với các tỉnh khác, trên cơ sở giao thương bình thường, triển khai nhẹ nhàng, có hiệu quả", bà Hồng nói.

Vải thiều tiêu thụ ở TPHCM phần lớn là loại 2

Đại diện ba chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn tại TPHCM đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho hoạt động xúc tiến.

Đại diện chợ Thủ Đức cho biết, tổng lượng tiêu thụ từ 15/5 đến 10/6 tại chợ này lên tới 11.500 tấn với giá từ 11.000 - 16.000 đồng/kg. Dự kiến, lượng tiêu thụ này sẽ còn tăng mạnh khi vải thiều vào chính vụ.

Vấn đề đặt ra ở đây là các địa phương cần đăng ký thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu bảo quản để hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng hơn.

Ngoài ra, hiện nay, vải thiều được đóng trong thùng gỗ thay vì thùng xốp như  mọi năm. Trong khi đó, nếu đóng thùng xốp, vải được bảo quản và sử dụng trong khoảng 3 ngày, đóng trong thùng gỗ chỉ được 1 ngày. Giá thành vận chuyển rẻ hơn nhưng chất lượng không đảm bảo, mẫu mã không đẹp. Do đó, các đơn vị phân phối cần nghiên cứu lại vấn đề đóng gói.

Cùng chung quan điểm, đại diện chợ Bình Điền đánh giá chất lượng vải năm nay không được tốt như mọi năm, đề nghị cần có công nghệ bảo quản tốt hơn. Ngoài ra, các tỉnh cung cấp cần đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho tốt hơn, hiện tại chỉ là hợp đồng thương mại, chưa có đăng ký mẫu mã, rất khó truy nguồn gốc.

Theo vị đại diện, sản lượng tiêu thụ tại Bình Điền từ 30 - 35 tấn/đêm. Dự báo trong 10 ngày nữa, con số này tăng lên khoảng 70 - 80 tấn/đêm. Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương phải lấy vải từ chợ Thủ Đức về để bán.

Đại diện chợ Hóc Môn - 1 trong 3 chợ đầu mối tại TPHCM, cho biết đã nâng từ 5 điểm bán hàng lên 10 điểm bán tại chợ, diện tích phục vụ buôn bán vải thiều và số thương nhân tham gia đã tăng lên gấp đôi. Dự kiến, tổng lượng tiêu thụ năm nay từ 8.000 - 10.000 tấn, tăng khoảng 70% so với năm 2014.

Phản hồi các thắc mắc trên, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, sau khi thị sát tình hình tại các chợ đầu mối TPHCM trong vài ngày qua, lượng vải tiêu thụ hầu hết là vải loại 2, thậm chí là vải loại 3 của Bắc Giang. Việc bảo quản, dán nhãn nguồn gốc còn chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến nhiều kiện hàng tuy  được người bán giới thiệu là vải Bắc Giang nhưng thực chất là vải từ các vùng miền khác ở miền Bắc. Do đó, ông cũng đề nghị sẽ xem xét lại kỹ càng việc này để đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông.

Bên cạnh đó, ông Hạnh cũng đề nghị các chợ đầu mối TPHCM liên kết, liên hệ chặt chẽ với đầu mối cung ứng tại miền Bắc, cụ thể là các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để có được hàng chất lượng, chuẩn xác nguồn gốc.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2015, ước tính sản lượng tiêu thụ vải khoảng 50.000 tấn, trong đó xây dựng 25 mô hình chuẩn VietGAP và Global GAP (diện tích 250ha, sản lượng 2.500 tấn). Trong thời gian tới, tỉnh kiên quyết giữ 11.000 ha diện tích trồng vải, phấn đấu 50% diện tích sản xuất theo quy trình sạch, ưu tiên xuất khẩu và tiêu thụ tại các thị trường trong nước, mở rộng thị trường EU, Mỹ, Nhật...

Đối với tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2015, tổng diện tích gần 32.000 ha, sản lượng toàn tỉnh ước đạt 160.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 25.000 tấn, vải chính vụ khoảng 136.000 tấn. Dự báo, lượng vải tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 60%, chủ yếu xuất khẩu vải tươi, giá bán tương đương hoặc cao hơn năm 2014.
 
Minh Quân