Chỉ tăng 4,1%

Hết quý I-2016, tổng kim ngạch XK của cả nước ước đạt trên 37,88 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, XK của DN trong nước ước tăng 0,3%; khu vực DN FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 27,04 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ, chiếm 71,4% tổng kim ngạch XK cả nước. Tính riêng tháng 3, kim ngạch XK ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn vào những con số này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho hay, XNK quý I không có biến động lớn, tức là mức tăng giảm ở các ngành hàng, mặt hàng không có gì đáng ngại. Song ông Hải tỏ ra lo lắng cho chỉ tiêu XK năm 2016 khi tăng trưởng XK trong quý I chưa đạt như mong muốn. So với chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 10% thì đây là khoảng cách khá xa.

Lý giải nguyên nhân của việc “XK chưa đạt như mong muốn”, vị này cho biết, 2 nhóm hàng được cho là “cứu cánh” của XK thời gian qua đều suy giảm. Cụ thể, nhóm nhiên liệu khoáng sản (theo đúng tinh thần của Chính phủ là giảm XK) ngày càng giảm, chỉ đóng góp 2% vào tổng kim XK của cả nước, trong đó cả dầu thô và than đá đều giảm mạnh. Riêng mặt hàng dầu thô trong quý I đã giảm 50% so với cùng kỳ.

Như vậy, dầu thô không chỉ là lý do chính khiến cho XK năm 2015 không đạt mục tiêu Quốc hội giao khi mặt hàng này sụt giảm 3 tỷ USD mà còn là một trong những nguyên nhân chính khiến XK quý I tăng trưởng thấp.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến dù tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng theo ông Hải đây vẫn là mức tăng trưởng thấp. Bởi lẽ, một số mặt hàng lớn có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2015 như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, linh kiện điện tử đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, kể cả phân bón, hóa chất XK cũng giảm. Bù lại, một số mặt hàng như giày dép, va li túi xách vẫn có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng XK trung bình chung của cả nước.

Trái ngược với 2 nhóm hàng trên, nhóm nông lâm thủy sản trong quý I có mức tăng tương đối tốt, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015 với kim ngạch XK ước đạt 4,7 tỷ USD. Một số mặt hàng như gạo, cà phê tăng cả về lượng lẫn giá trị. Tuy nhiên, nhìn xa hơn sang quý II và III, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa của Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung lúa gạo cũng như thủy sản. “Đây là việc chúng tôi rất lo ngại trong thời gian tới”, ông Hải nói.

Quan tâm đến doanh nghiệp

Như vậy, so với chỉ tiêu Quốc hội giao, kim ngạch XK 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt khoảng 21,3% kế hoạch. Mặc dù quý I chưa phải thời điểm và mùa vụ XK nhưng với mức tăng trưởng thấp như vậy thì những lo lắng của lãnh đạo ngành Công Thương là có cơ sở.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương tính toán, để đạt mức tăng trưởng XK 10% so với năm 2015 thì mỗi tháng kim ngạch XK phải đạt bình quân từ 14,7-14,8 tỷ USD, tức là tăng bình quân 1,3 tỷ USD so với năm 2015. Trong bối cảnh tăng trưởng của XK thấp như hiện nay thì nhiệm vụ này rất nặng nề. Do vậy, ông Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ cần thực hiện nhiều giải pháp về thị trường, hỗ trợ tối đa cho DN trong công tác tìm kiếm đơn hàng, thị trường. Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần giúp DN tận dụng lợi thế sản phẩm và kết quả thu được từ các Hiệp định thương mại tự do vừa ký kết để khai thác sâu hơn các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới cũng như đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại nhằm củng cố và phát triển thị trường XK.

Ông Trần Tuấn Anh cũng lưu ý, trong quý II cần đặt trọng tâm hướng vào hỗ trợ DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần bám sát tình hình trong và ngoài nước, tham mưu để lãnh đạo Bộ có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy XK trong thời gian tới. “Tháng 4 là tháng cao điểm của hoạt động XK, chính vì thế cần làm tốt công tác điều tiết, thúc đẩy thương mại biên giới và ở địa phương; quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đối ngoại trong khung khổ hội nhập”, vị Thứ trưởng này nói.

Bổ sung thêm thông tin, ông Hải cho rằng, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới, đặc biệt phát huy vai trò xã hội hóa. Hiện nay, công tác xúc tiến thương mại chủ yếu dựa vào Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, đồng thời chỉ nói đến nguồn kinh phí được Nhà nước cấp, còn các cơ quan xúc tiến thương mại ngoài nhà nước như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI, công ty tư vấn vẫn chưa có sự động viên, thúc đẩy. “Bộ Công Thương cần dẫn dắt tổ chức xúc tiến bên ngoài để giúp DN đẩy mạnh XK. Điều đó mới tạo được dòng thác cho hoạt động XNK của DN”, ông Hải kiến nghị.

Thêm nữa, vị đại diện của Cục XNK đặc biệt lưu ý đến việc cải cách thủ tục hành chính bởi Bộ Công Thương có nhiều thủ tục liên quan đến XNK. “Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, thủ tục XNK kéo dài 10 ngày thì chỉ 3 ngày “nằm” ở cơ quan Hải quan còn lại 7 ngày “nằm” ở các bộ, ngành. Vì vậy, chúng ta cần phải xem xét lại thủ tục XNK để hỗ trợ DN”, ông Hải nêu ý kiến.

Nguồn: baohaiquan.vn

Nguồn: baohaiquan.vn