Hiện tại, Ai Cập đang đang sử dụng 10 con tàu cố gắng kéo tàu Ever Given ra khỏi vị trí mắc cạn nhưng việc này "có thể kéo dài nhiều ngày". Việc này đã tạm thời dừng lại cho tới sáng ngày 25/3 (giờ Ai Cập), đại lý vận chuyển Inchcape dẫn thông tin từ cơ quan quản lý Kênh đào Suez cho biết.
Theo tính toán sơ bộ của Bloomberg, tình trạng giao thông đình trệ ở Kênh đào Suez (Ai Cập) khiến khoảng 9,6 tỷ USD hàng hóa bị tắc nghẽn tại đây mỗi ngày kể từ 23/3 đến nay. Số liệu trên được tính toán dựa trên phân tích của tờ báo Lloyd's List, trong đó ước tính lưu lượng hàng hóa qua Kênh đào Suez từ phía Tây mỗi ngày trị giá khoảng 5,1 tỷ USD, còn lượng hàng hóa từ phía Đông trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Ước tính hiện tại có khoảng 165-185 tàu đang chờ để đi qua Kênh đào Suez.
Kênh đào Suez đi vào hoạt động từ năm 1869, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới với nhiều tàu chở dầu thô, hàng hóa từ Trung Đông sang châu Âu và Bắc Mỹ. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, gần 10% dầu mỏ vận tải đường biển và 8% khí LNG toàn cầu được vận chuyển quan kênh đào này.
Theo Cơ quan Giám sát kênh đào Suez (SCA), năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỷ tấn. Trong ngày 24/3, khoảng 40 tàu chở hàng hóa từ nông sản, hàng không như xi măng cho tới dầu mỏ, nhiên liệu và hóa chất, đang xếp hàng dài tại Kênh đào Suez. Ngoài ra, còn có khoảng 8 tàu chở gia súc, một tàu chở nước và hơn 30 tàu hàng hóa khác bị mắc kẹt tại đây.
Kênh đào dài 190km, rộng 205m và sâu 24m, Kênh đào Suez đi vào hoạt động từ năm 1869, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới với nhiều tàu chở dầu thô, hàng hóa từ Trung Đông sang châu Âu và Bắc Mỹ. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, gần 10% dầu mỏ vận tải đường biển và 8% khí LNG toàn cầu được vận chuyển quan kênh đào này.
Tại kênh đào Suez từng xảy ra một số vụ mắc cạn khiến giao thông bị ngừng trệ, như tàu container Maersk Shams năm 2016 và tàu OOCL của Nhật năm 2017. Một trong những lần tắc nghẽn nghiêm trọng nhất là vào năm 2004, khi tàu chở dầu Tropic Brilliance bị bỏ lại trên kênh đào. Phải mất nhiều ngày 25.000 tấn dầu mới được bơm ra hết để giải phóng con tàu khỏi kênh đào.
Theo nhà nghiên cứu Chun Hyungjin tại Viện Hàng hải Hàn Quốc, gián đoạn kéo dài khiến các tàu phải thay đổi hành trình và từ đó khiến chi phí vận tải tăng lên. Các tàu có thể đi vòng qua Mũi Hảo vọng của châu Phi để tránh tắc nghẽn nhưng việc này sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, đẩy chi phí phụ trội đáng kể, đồng thời khiến mọi lịch trình bị trì trệ.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh ngành vận tải biển vừa trải qua một năm sóng gió do đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương mại toàn cầu. Việc các quốc gia đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh và xuất khẩu từ Trung Quốc tăng vọt đã dẫn đến tình trạng khan hiếm container và chi phí vận tải biển tăng đột biến.