Làn sóng công nghiệp điện tử dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam
Theo plo.vn, thị trường lao động Việt Nam đang khan hiếm nhân lực trong mảng công nghiệp điện tử do làn sóng dịch chuyển hàng loạt nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo phân tích của Công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search, thị trường lao động việc làm trong quý 4/2018 có sự tác động của hiệp định thương mại tự do, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Công ty FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đã có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng bởi mức lương đề xuất không có sự cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp hiện tại. Vì thế ứng viên vẫn còn dè chừng trước quyết định chuyển việc sang một môi trường mới.
Trước làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng qui mô, mảng sản xuất điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao, thuộc các vị trí như: quản lý nhà máy; giám sát; cấp quản lý và trợ lý cho khối văn phòng.
Cụ thể trong năm 2019, dự báo các nhà đầu tư đang có kế hoạch điều chỉnh danh mục đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp), từ đó tác động đến chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản của Việt Nam. Động lực thu hút FDI tới Việt Nam chủ yếu đến từ hai xu hướng, bao gồm dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và đầu tư FDI vào Việt Nam để phục vụ chính thị trường tiêu dùng Việt Nam và ASEAN.
Trong năm 2019, dự kiến thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng ổn định. Loại hình chung cư tiếp tục phát triển do còn nhiều dư địa. Khách hàng cũng sẽ chú trọng tuyển dụng các vị trí liên quan đến đầu tư và kinh doanh.
Mang thịt lợn vào Đài Loan có thể bị phạt 750 triệu đồng
Trang
web plo.vn đưa tin, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan vừa có khuyến cáo và đề nghị tất cả người lao động Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan làm việc hoặc về Việt Nam nghỉ phép tái nhập cảnh Đài Loan, không nên vận chuyển các nhu yếu phẩm.
Thời gian gần đây, tình hình dịch tả lợn châu Phi rất nghiêm trọng và có tốc độ lây lan nhanh. Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Đài Loan, Viện Lập pháp Đài Loan thông qua lần ba dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của "Điều lệ phòng chống bệnh truyền nhiễm động vật”.
Vận chuyển hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch vào Đài Loan không khai báo kiểm dịch theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000 (hơn 7 triệu đồng) đài tệ đến 1.000.000 đài tệ (hơn 750 triệu đồng).
Để tránh bị phạt tiền cao hoặc trục xuất về nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan khuyến cáo và đề nghị tất cả người lao động Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan làm việc hoặc về Việt Nam nghỉ phép tái nhập cảnh Đài Loan không mang, xách, vận chuyển những loại hàng hoá, sản phẩm gồm: thịt lợn, gà, ruốc, chả, giò, hoa quả tươi, rau, nem chua, lạp sườn, xúc xích, thịt chua, thịt hộp, bò khô, mỳ tôm có thịt,... hoặc tất cả các sản phẩm khác làm từ thịt lợn, thịt gà, gia súc, gia cầm,...
Pháo lậu Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam
Theo
plo.vn, liên tiếp trong ngày 12/1/2019 đến 17/1/2019 lực lượng chức năng địa phương các tỉnh đã phát hiện nhiều vụ việc, bắt giữ nhiều đối tượng người Việt Nam và nước ngoài vận chuyển trái phép số lượng lớn hàng cấm như pháo nổ, động vật hoang dã….qua biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tĩnh.
Hiện vụ việc đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, bàn giao người, tang vật cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn để khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Xuất khẩu thủy sản 2019: Nhiều cơ hội từ giảm thuế quan
Baohaiquan.vn đưa tin, năm 2019, các DN thủy sản sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản do hưởng lợi thuế quan khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Như vậy, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản XK vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Năm 2019, hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế - cơ hội cho DN tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế 0% đối với tất cả các dòng sản phẩm thủy sản.
Không nên quá lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Theo
Baohaiquan.vn, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi nhận định về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019 đã khuyến nghị: Không nên quá lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Theo CIEM, Việt Nam bước vào năm 2019 với kỳ vọng về không ít cơ hội và thách thức đan xen. Niềm tin của cộng đồng DN trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng sau những cam kết cải cách của Chính phủ cũng như khả năng ứng phó hiệu quả của Chính phủ trước cú sốc từ bên ngoài.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài.
Diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố quan trọng. Trước hết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại (và mức độ thực chất của kết quả, nếu có) giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ CIEM khuyến nghị, Việt Nam không nên quá lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, bởi cả hai bên đều biết cạnh tranh quyền lực giữa hai bên không chỉ nằm ở vấn đề thương mại. Theo đó, bản thân Trung Quốc cũng hiểu nhượng bộ với Mỹ là không đủ để kết thúc chiến tranh thương mại, và cũng hiểu nhượng bộ với Mỹ là không đủ để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn: VITIC tổng hợp