Giá hạt tiêu có thể tiếp tục bấp bênh
Thông tin từ vietnambiz.vn, dự báo đến năm 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.
Bộ Công Thương cho biết theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam. Xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.
Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết gần đây như CPTPP EVFTA được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.
Bộ Công Thương cho rằng để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Ô tô nhập giảm mạnh trong nửa "tháng cô hồn"
Theo dantri.com.vn, tính từ ngày 1 đến hết ngày 15/8, lượng xe nhập chỉ đạt 4.200 chiếc, trong đó có hơn 3.500 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi. Lượng giảm các dòng xe nguyên chiếc là 1.700 chiếc và xe con là hơn 1.000 chiếc.
Như vậy, dưới tác động của tâm lý đám đông, tháng kiêng kị cô hồn, lượng xe nhập cũng đã giảm, điều này phù hợp với diễn biến của thị trường xe hiện nay khi hầu hết đại lý khó bán trong 15 ngày đầu tháng 8, trùng với thời điểm 15 ngày đầu tháng 7.
Việc các dòng xe nhập suy giảm thời gian qua chủ yếu tập trung vào xe của Thái Lan, Indonesia - nơi cung cấp chủ yếu xe nhập cho Việt Nam. Các dòng xe bị ảnh hưởng nhiều nhất là Honda, Ford, Mitsubishi, Nissan, Toyota, Kia....
Theo báo cáo của VAMA, trong 7 tháng đầu năm lượng xe tải cỡ nhỏ (xe Van) tiêu thụ giảm mạnh và dường như hết đất sống ở Việt Nam. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, doanh số các dòng xe van suy giảm mạnh.
Mặc dù xe nhập nửa tháng qua giảm hàng nghìn chiếc song theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, đại lý xe trên thị trường sẽ không có khan hiếm xe vào tháng sau và các tháng cuối năm 2019.
EVFTA thực thi, thuế suất về 0%: Nông sản không đủ chuẩn vào EU có thể mất thị phần trên sân nhà
Theo vietnambiz.vn, Hiệp định EVFTA là cơ hội để nông sản Việt tự tin cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt tại các nước Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, nó sẽ là nguy cơ dẫn đến việc mất sự tin dùng của 100 triệu dân trong nước nếu "không khéo" tận dụng.
Hiện, nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Với EVFTA, qui mô nền kinh tế lớn hơn, độ mở nền kinh tế lớn nhiều nên cần sự chuẩn bị kí càng. EVFTA là hiệp định thế hệ mới nhất, có sự cam kết sâu rộng nhất khi hầu hết các nhóm hàng có thuế suất đều đưa dần về 0% trong một lộ trình ngắn nhất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận: "Hiệp định EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như nông sản và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp cận thị trường 28 quốc gia thành viên EU hơn 500 triệu dân. Từ đó, có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Đông Nam Á.
Cụ thể, theo Bộ trưởng, khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, giảm từ 6 - 22% hiện về 0%; các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước trái cây xóa bỏ thuế ngay; cà phê, tiêu, điều, mật ong tự nhiên… cũng vậy.
Với ngành gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%.
Còn đối với các mặt hàng thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3 đến 7 năm. Đây được đánh giá là ngành sản phẩm được hưởng nhiều ưu đãi nhất khi tham gia Hiệp định EVFTA.
Theo đó, EVFTA là một dấu ấn quan trọng không phải chỉ Việt Nam mà trên toàn cầu. Giữa thời điểm thế giới nhiều vấn đề phức tạp thì đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp.
Chiến tranh thương mại: Nông sản có nguy cơ gian lận xuất xứ
Theo nongnghiep.vn, những mức thuế rất cao mà Mỹ - Trung áp lên hàng hóa của nhau đang khiến cho Việt Nam trở thành nơi để hàng hóa từ 2 nước này, nhất là từ Trung Quốc, thâm nhập, đội lốt hàng Việt rồi xuất khẩu nhằm tránh mức thuế cao.
Do Việt Nam và Trung Quốc có nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ tương đồng với nhau, nên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi mà hàng Trung Quốc tuồn vào, dán mác hàng Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh mức thuế cao. Vì vậy, ngay từ trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát, Chính phủ và các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc phòng chống gian lận xuất xứ, nhất là với những mặt hàng mà Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, đáng chú ý nhất là đồ gỗ. Các cơ quan chức năng đã bước đầu phát hiện những dấu hiệu gian lận trong ngành hàng này.
Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019, có 90 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu gỗ ván ép (mã HS4412) từ Việt Nam sang Mỹ, đạt hơn 200 triệu USD. Số lượng xuất khẩu lớn tập trung từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2019. Nổi lên trong đó một số doanh nghiệp có chủ sở hữu là người Trung Quốc hoặc góp vốn với người Trung Quốc và một số doanh nghiệp khác có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến.
Trên cơ sở số liệu rà soát và thông tin nắm được về các hành vi vi phạm của các công ty trong việc sản xuất mặt hàng gỗ dán xuất khẩu, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến.
Qua xác minh đối với 6 công ty và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương cho thấy một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp C/O. Cụ thể, hồ sơ xin cấp C/O của 4 trong 6 công ty nói trên là vi phạm pháp luật.
Tháng 5/2019, Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát. Đây là một thông tin rất đáng lo ngại bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Mỹ đã đạt 32,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2018.
Do đó, Việt Nam càng phải làm thật tốt công tác phòng chống gian lận xuất xứ, nhất là với hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất sang Mỹ.
Tôm tẩm bột Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại
Theo vietnambiz.vn, theo phân tích mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành tôm Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 giảm nhẹ 2% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, phân khúc tôm tẩm bột xuất khẩu sang Mỹ lại trở thành một điểm sáng, với giá trị và khối lượng xuất khẩu tăng vọt lần lượt 50% và 53% so với cùng kì năm ngoái.
VDSC cho rằng điều này hàm ý rằng tôm tẩm bột Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tôm tẩm bột Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ bị áp thêm thuế 10% kể từ ngày 24/9/2018.
Mức thuế này đã được nâng lên 25% kể từ ngày 10/5/2019. Theo đó, trong nửa đầu năm 2019 xuất khẩu tôm tẩm bột Trung Quốc sang Mỹ đã giảm mạnh 35% so với cùng kì năm ngoái về giá trị và 30% so với cùng kì năm ngoái về khối lượng.
Đồng thời, xuất khẩu từ các nhà cung cấp chính khác như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đã thay đổi tích cực 13%, 60% và 53% về khối lượng so với nửa đầu năm 2018. Về giá trị, ngoại trừ tôm ở Indonesia giảm 3%, hai thị trường còn lại tăng lần lượt 47% và 50% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Mặc dù mất thị phần lớn, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp tôm tẩm bột lớn nhất Mỹ, do quốc gia này có thể cung cấp sản phẩm chất lượng và rẻ nhất. Giá tôm tẩm bột trung bình của Trung Quốc thấp nhất trong số các nhà cung cấp.
Tuy nhiên, VDSC cho biết do mức thuế cao, các nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm các nhà cung cấp khác thay thế cho Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được xem là nước tiềm năng lớn nhất vì Việt Nam có thể cung cấp tôm tẩm bột với mức giá thấp thứ hai sau Trung Quốc. Trên thực tế, thị phần của Việt Nam đã tăng mạnh nhất trong số các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc, từ 15% lên 25% trong nửa đầu năm 2019.
Nhiều loại trái cây nhập khẩu giảm giá mạnh
Theo haiquanonline.com.vn, hiện tại, nhiều loại trái cây nhập khẩu có giá rẻ tương đương với những loại trái cây được trồng trong nước, do đó người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, trái cây Việt sẽ phải cạnh tranh với trái cây nhập khẩu về giá thành, chất lượng.
Trái cây nhập khẩu vốn được xem chỉ dành cho người có thu nhập cao vì giá thành cao, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ khả năng để mua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá của nhiều loại trái cây nhập khẩu lại có giá rẻ tương đương với trái cây trong nước.
Tại siêu thị Omart, Vinmart, nhiều loại trái nhập khẩu có giá từ 50.000 đồng-100.000 đồng/kg, mức giá này phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Như tại siêu thị Omart, táo Fuji Mỹ có giá 79.000 đồng/kg, táo red delicious có giá 62.900 đồng/kg, táo Queen size 80,88,100 có giá 85.000 đồng/kg. Tại siêu thị Vinmart, nho đỏ không hạt có giá 96.000 đồng/kg, cam cara ruột đỏ Mỹ có giá 99.000 đồng/kg, việt quất Newzeland 125 gr có giá hơn 102.000 đồng, lê đỏ Nam Phi có giá 95.000 đồng/kg… Tại siêu thị Big C, việt quất được nhập khẩu từ Mỹ chỉ có giá 46.000 đồng/hộp 125gr, nho Mỹ không hạt có giá 90.000 đồng/kg.
Những năm trước quả việt quất được bán khá ít ỏi ở thị trường Việt Nam, tuy nhiên năm nay loại quả này được bán khá rộng rãi có giá cũng không phải quá cao so với nhiều loại trái cây nhập khẩu khác. Khi trái cây nhập khẩu giảm giá mạnh ở hàng loạt siêu thị cùng với việc thể hiện nguồn gốc có phần rõ ràng thì trái cây ở kênh bán hàng truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ trở nên khó bán hơn. Hiện giá nhiều loại trái cây quen thuộc ở thị trường nội địa nước ta có xu hướng giảm theo... Từ thực tế cho thấy, các mặt hàng trái cây đang bày bán giá rẻ trên thị trường Hà Nội không rõ xuất xứ ở đâu, đều được gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các loại trái cây được tiểu thương nhập từ các chợ đầu mối của Hà Nội nên nguồn gốc thực sự của những loại trái cây họ cũng chỉ biết qua thương lái. Do đó, để tăng sự "tin tưởng" của người tiêu dùng, nhiều tiểu thương đã tự dán thêm nhãn mác mang dấu hiệu nguồn gốc, xuất xứ cho trái cây.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet