Gạo Việt Nam rớt giá vì Trung Quốc bất ngờ giảm mua
Theo plo.vn, nhu cầu về gạo của người Trung Quốc vẫn khá cao nhưng các nhà nhập khẩu của nước này khó có thể mua hàng từ Việt Nam vì những rào cản kỹ thuật mới.
Lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 giảm tới 66% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 318.100 tấn.
Giới thương nhân cho biết nhu cầu về gạo của người Trung Quốc vẫn khá cao nhưng các nhà nhập khẩu của nước này khó có thể mua hàng từ Việt Nam vì những rào cản kỹ thuật mới mà chính phủ nước này vừa áp đặt.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức 340-350 USD/tấn hồi tuần trước xuống còn 335-345 USD/tấn trong tuần này.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh lượng gạo xuất sang Trung Quốc.
Trong khi đó giá gạo Thái Lan lại đang tăng, giá gạo 5% tấm tiêu chuẩn của nước này đã tăng từ 406-425 USD/tấn hồi tuần trước lên 415-425 USD/tấn trong tuần này.
Các thương nhân nhận định mức giá khá cao này là do những lo ngại về nguồn cung giữa bối cảnh Thái Lan phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua.
Thịt nhập khẩu khó cạnh tranh ở Việt Nam
Nongnghiep.vn đưa tin, với giá heo hơi xuất chuồng như hiện nay, thịt nhập khẩu rất khó có thể cạnh tranh và có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam.
Ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi, giá thành SX heo của các DN tăng lên đáng kể. Công suất chăn nuôi của các DN cũng đã bị giảm rất nhiều do nhiều tháng qua không thể tái đàn, phải giảm đàn nái (nái già là thải loại chứ không vào nái mới)...
Việc giảm công suất nuôi cũng nhằm giảm mật độ nuôi nhằm phòng dịch tốt hơn. Cụ thể hiện nay, đa số các trại heo chỉ còn dám duy trì khoảng 70-80% so với công suất thiết kế, trong đó rất nhiều trại thậm chí chỉ đạt 40-50% công suất. Năng suất chăn nuôi cũng bị tụt mạnh do ảnh hưởng của việc áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Nếu như lúc chưa có dịch, giá thành SX heo của các DN lớn bình quân chỉ khoảng 32-33 nghìn đồng/kg, thì hiện nay, giá thành đã tăng lên mức trung bình 40 nghìn đồng/kg, tăng ít nhất khoảng 10% so với giai đoạn chưa có dịch.Với giá thành trên, về lí thuyết, thịt heo một số nước NK sẽ có cơ hội để cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nghịch lý đó là trong khi giá thành SX heo tăng cao, thì giá heo hơi xuất chuồng tại Việt Nam một thời gian dài ở mức rất thấp, mãi đến gần đây giá heo hơi mới ấm lên, tuy nhiên hiện tại heo hơi xuất chuồng ở phía Bắc cũng chỉ khoảng 45 nghìn đồng/kg, tại phía Nam chỉ 37-38 nghìn đồng/kg.
Với giá này, người chăn nuôi ở phía Bắc đang có lãi nhẹ, trong khi phía Nam vẫn đang lỗ. Giá heo hơi trong nước đang ở mức thấp như trên thì thịt heo đông lạnh NK khó có thể cạnh tranh được do nhiều nguyên nhân.
Giá thành SX heo thấp nhất như Mỹ cũng đang dao động ở mức xung quanh 1,3 USD/kg, tương đương khoảng 28-29 nghìn đồng/kg. Như vậy nếu cộng với chi phí giết mổ, cấp đông, vận chuyển... về Việt Nam, sẽ khó có thể cạnh tranh với giá bán thịt heo trong nước. Bên cạnh đó, đặc thù thói quen tiêu dùng của thị trường Việt Nam lại chiếm áp đảo là thịt nóng, tiêu thụ trong ngày tại các chợ truyền thống. Vì vậy, thịt đông lạnh NK rất khó có khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, kể cả trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của DTLCP.
Xuất khẩu rau quả thiệt hại do đồng nhân dân tệ mất giá
Thông tin từ vietnambiz.vn, theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc đồng nhân dân tệ mất giá kèm theo Việt Nam đang xuất siêu rất lớn mặt hàng rau quả sang Trung Quốc sẽ khiến mặt hàng này của Việt Nam chịu nhiều thiệt hại hơn là có lợi. Việt Nam đang xuất siêu rất lớn mặt hàng rau quả sang Trung Quốc.
Sáng ngày 12/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu chính thức đồng nhân dân tệ xuống 7,0211 tệ đổi 1 USD. Đây là phiên thứ ba liên tiếp tỷ giá tham chiếu này ở quanh mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của PBoC vẫn thấp hơn dự báo của các nhà phân tích được Reuters khảo sát là 7,0311 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Nếu phá giá đồng nhân dân tệ thì hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại. Ở chiều ngược lại, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc lại có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Việt Nam đang xuất siêu rất lớn sang Trung Quốc. Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng rau quả mỗi năm sang Trung Quốc khoảng 2,7 tỉ USD, trong khi nhập khẩu từ thị trường này chỉ khoảng 200 - 300 triệu USD. Như vậy, Việt Nam chịu thiệt nhiều hơn là được lợi. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thu hẹp khi hầu hết doanh nghiệp kí hợp đồng thời thời vụ của trái cây hoặc kí theo lô hàng chứ không kí dài hạn theo năm như những ngành khác.
Thêm vào đó, trong số 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có nhiều loại quả đã hết vụ như vải, măng cụt... Do đó, thời hạn hợp đồng sẽ ngắn hơn. Sau khi hợp đồng hết hạn, doanh nghiệp sẽ đàm phán lại mức giá xuất khẩu sao cho hợp lí.
Từ ngày 1/5, Trung Quốc chính thức chấm dứt việc xuất khẩu rau quả qua đường tiểu ngạch, điều này cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu rau quả chững lại trong thời gian qua.
Giá rau Đà Lạt tăng mạnh
Sggp.org.vn đưa tin, sau đợt mưa lũ khoảng 1 tuần, giá rau thu mua tại Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng mạnh do nhiều diện tích rau trồng ngoài trời bị thiệt hại nặng, một số loại rau tăng giá mạnh như: xà lách xoăn thời điểm trước mưa lũ khoảng 5.000 đồng/kg, sau tăng lên 16.000-17.000 đồng/kg; sú tim từ 6.000 đồng/kg lên 12.000-13.000 đồng/kg; cần tây từ 7.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, bó xôi từ 8.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg; cải thảo từ 3.000 đồng/kg lên 4.500 đồng/kg…
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, đợt mưa lớn vừa qua gây thiệt hại khoảng 20ha rau màu của Đà Lạt, vùng lân cận như huyện Lạc Dương cũng có hơn 100ha rau, màu bị hư hỏng hoàn toàn.
Dự báo trong những ngày sắp tới một số loại rau ăn lá sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nhiều diện tích trồng bị mưa làm hư hỏng không đáp ứng được các đơn hàng xuất đi. Ngoài ra, một số loại rau lấy củ đang trong giai đoạn cuối mùa nên dự báo giá cũng sẽ tiếp tục tăng.
Trà Vinh: Giá cua biển tăng cao
Thông tin từ bnews.vn, nông dân nuôi cua biển ở các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và Trà Cú thuộc tỉnh Trà Vinh đang phấn khởi vì giá cua thương phẩm trong 7 ngày qua liên tục tăng cao.
Cụ thể, cua gạch và cua thịt loại I (2 – 4 con/kg) được thương lái thu mua với giá 380.000 – 400.000 đồng/kg, cua thịt loại II (3 - 4 con/kg) có giá từ 270.000 – 300.000 đồng/kg, cua cái so có giá từ 250.000 – 260.000 đồng/kg. Với giá cua thương phẩm các loại như hiện tại so với thời điểm trước đó, tăng bình quần từ 20.000 – 40.000 đồng/kg.
Việc cua biển thương phẩm tăng cao vào giữa tháng 8 này có phần nguyên nhân do ảnh hưởng của cơn bão 3, sản lượng khai thác các loại hải sản từ biển như: ghẹ, tôm, mực,… hạn chế, nên cua biển được thị trường tiêu thụ mạnh.
Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh luôn khuyến cáo nông dân ở các vùng ven biển chọn con cua biển làm đối tượng nuôi để thay thế 1 vụ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong năm, nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng về thời tiết và tác động môi trường trong thời gian chuyển giao giữa mùa nắng và mùa mưa.
Nguồn: VITIC tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet