Số liệu được Nielsen, trong năm 2015, thị trường thực phẩm cho trẻ em trên toàn cầu sẽ đạt gần 35 tỷ USD và tã giấy được dự báo sẽ vượt quá 27 tỷ USD.
Thu thập trong vòng 5 năm qua trên 60 quốc gia cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em dưới 1 tuổi cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, hơn 1 trong 10 hộ gia đình Việt Nam (12%) có trẻ em dưới một tuổi, trong khi đó mức trung bình toàn cầu là 5%. Gần 20% hộ gia đình tại Việt Nam con từ 1-2 tuổi so với chỉ mức 9% trên toàn cầu.
Theo đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và việc ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam, là những nhân tố kích thích tăng trưởng doanh số bán hàng thực phẩm cho trẻ em và tã giấy trên toàn cầu.
“Các bậc phụ huỳnh sành điệu sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thực phẩm và tã lót có chất lượng”, Connie Cheng - trưởng bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương nhận định.
Vị này cũng đánh giá rằng sự cạnh tranh trong thị trường này rất khốc liệt và rất nhiều thương hiệu đang gặp phải việc cạnh tranh về giá để gây sự chú ý đến khách hàng. Thêm vào đó, khoảng thời gian cho việc mua các sản phẩm chăm sóc trẻ em tương đối ngắn.
Đối với thực phẩm dành cho trẻ, dinh dưỡng, tính an toàn và giá trị sản phẩm là những mối quan tâm hàng đầu của những bậc bố mẹ Việt có con nhỏ. Theo thống kê, một nửa số người được hỏi ở Việt Nam (50%) nhận định thành phần dinh dưỡng tốt là yếu quan trọng nhất khi quyết định mua thực phẩm cho con.
Giá trị sản phẩm và thương hiệu đáng tin cậy là 2 yếu tố quan trọng tiếp đến đối với hơn một phần ba của người tiêu dùng (38%), sau đó là các thành phần an toàn cho sức khỏe (36%) và mùi vị sản phẩm (32%).
Đại diện Nielse cho biết các loại thực phẩm tự nhiên hoặc ít qua chế biến là mối quan tâm hàng đầu đối với các bậc cha mẹ. “Các bậc cha mẹ sẵn sàng bỏ tiền ra mua và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng sự tăng trưởng trong phân khúc này” – Cheng nhận định.
Đối với sản phẩm tã giấy, tính an toàn cho da, giá trị sản phẩm và sự thoải mái là những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam.
Hơn một nửa số người tiêu dùng tại Việt Nam xác định tính bảo vệ da, tốt cho da nhạy cảm (53%) là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Khoảng một phần ba xác định giá trị sản phẩm (33%) và yếu tố khô ráo qua đêm là các yếu tố thứ đến, cùng với tính thoải mái để mặc (27%) và sản phẩm từ thương hiệu đáng tin cậy (26%).
Đối với đa số bậc cha mẹ tại Việt Nam, gia đình và bạn bè là kênh có sự ảnh hưởng nhiều nhất trong lần đầu tiên tìm kiếm thực phẩm để mua cho con (56%). Theo sau là những kênh như: Quảng cáo truyền hình (50%), chuyên gia sức khỏe trẻ em (47%), các trang web trực tuyến (41%), truyền thông xã hội (33%).
Xu hướng được lặp lại đối với các sản phẩm tã lót. Gần một nửa số người tiêu dùng Việt (49%) nói rằng các khuyến nghị từ gia đình và bạn bè có ảnh hưởng rõ rệt nhất đến quyết định mua hàng của họ, tiếp theo là khuyến cáo từ các chuyên gia sức khỏe trẻ em (32%) và quảng cáo truyền hình (29%).
Bán hàng trực tuyến là một kênh được Nielsen đánh giá “đang trên đà phát triển”. 28% người tiêu dùng mua thức ăn trẻ em trực tuyến, 27 % mua tã trực tuyến và 24% mua các sản phẩm làm đẹp và xe đẩy em bé qua mạng Internet.
Đại diện Nielsen cũng nhấn mạnh rằng cạnh tranh về giá cả, sự tiện lợi và lợi thế từ việc loại bỏ các liên kết trong chuỗi cung ứng chính là điểm mạnh của các kênh bán lẻ trực tuyến. Vị này tin rằng việc các hãng thương mại điện tử tăng thời gian phục vụ đáp ứng tốt cho nhu cầu giữ cân bằng giữa công việc và gia đình đối với các bậc phu huỳnh bận rộn.
“Việc mua sắm các sản phẩm cho bé qua kênh online chiếm một vị trí thuyết phục, vững chãi trong tâm trí những bậc phụ huynh bận rộn”, Cheng nhận định.
Đức Anh