Nhằm phát triển thương hiệu đặc sản mè xửng Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ra Quyết định ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm mè xửng Huế, có ký hiệu "QCĐP 02:2017/TT-H", có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2018.
Quy chuẩn quy định các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với sản phẩm mè xửng Huế. Theo đó, các sản phẩm mè xửng được sản xuất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn này trước khi lưu thông trên thị trường theo quy định.
Các sản phẩm mè xửng sản xuất ở địa phương khác nhưng kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thì không yêu cầu công bố hợp quy với Quy chuẩn kỹ thuật địa phương này.
Quy chuẩn kỹ thuật địa phương là văn bản quy phạm pháp luật, do vậy, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm mè xửng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổ chức, cá nhân sản xuất chỉ được đưa ra sản phẩm mè xửng sau khi đã đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, ghi nhãn phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hai sản phẩm mè xửng và tôm chua Huế đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong tốp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng truyền thống mè xửng Huế, hiệu quả từ các chương trình khuyến công ở địa phương này đã góp phần kích thích các doanh nghiệp, cơ sở phát huy năng lực, mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay có hàng chục cơ sở sản xuất kẹo mè xửng bao gồm các sản phẩm mè xửng dẻo, mè xửng dòn...
Được làm từ đường, mạch nha, bột, đậu phộng và mè, kẹo mè xửng Huế với mùi thơm đặc trưng rất hấp dẫn, thường được khách đến Huế mua về làm quà.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã thành lập Hội nghề sản xuất đặc sản mè xửng Huế để hình thành và phát triển thương hiệu, mở rộng sản xuất và thị trường kinh doanh mè xửng Huế
Công ty Trách nhiệm hữu hạn mè xửng Thiên Hương đã được vốn khuyến công hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, đã đầu tư thêm dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm kẹo mè xửng.
Từ một nghề thủ công truyền thống, kẹo mè xửng Thiên Hương, Huế hiện đã được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, từ công đoạn nấu bằng hệ thống nồi hơi, đến hệ thống băng tải làm nguội, cán, cắt, đóng gói..., nâng công suất sản xuất lên khoảng 1.000 tấn sản phẩm/năm.
Việc đầu tư này góp phần cải tiến chất lượng sản phẩm, kẹo mè xửng sản xuất ra thơm ngon hơn, được người tiêu dùng đánh giá cao, tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường cả trong và ngoài nước.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản Thừa Thiên - Huế nói chung, đặc sản mè xửng Huế nói riêng là rất cần thiết không chỉ trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức mà còn giúp cho các cơ sở sản xuất đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm cũng như duy trì, phát triển các sản phẩm truyền thống của tỉnh ra thị trường.
Đặc biệt, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản còn tránh tình trạng bắt chước, lạm dụng thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm đặc sản của địa phương để sản xuất kinh doanh trái pháp luật và nguy cơ mất thương hiệu sản phẩm truyền thống nếu như không có những động thái trong việc xúc tiến, đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm này.
Chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản này còn tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp chủ động trong việc đăng ký, xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ tối đa quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đã có thương hiệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế...
Nguồn: Quốc Việt/TTXVN