Tọa lạc tại một vùng núi hẻo lánh, lăng Gia Long là một trong những công trình lăng tẩm nổi tiếng với khung cảnh yên bình, thơ mộng cùng những công trình lăng tẩm có kiến trúc và bố cục đơn giản nhưng vẫn có nét cổ kính và uy nghiêm. Lăng được xây trong vòng 6 năm (1814-1820), từ lúc bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21/2/1814.
Lăng Gia Long được xây dựng ở ngọn đồi cao nhất của Thiên Thọ Sơn, nơi quần sơn gồm 42 đồi núi lớn nhỏ và nổi bật là Đại Thiên Thọ. Nơi đây được cho là “tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, và là nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm”.
Mặc dù có vị trí thu hút được mọi điều tốt lành nhưng đây lại là khu vực bị cô lập. Trước đây, phương tiện duy nhất để đến đây là đường thủy. Trước năm 2014, để đến được lăng Gia Long, người dân phải sử dụng những chiếc đò ngang để qua lại. Cũng chính vì thế nên rất ít khách du lịch đến tham quan lăng. Sau này, người dân đã tự làm một chiếc cầu phao nhỏ nối hai bờ để nhiều người đến viếng lăng hơn. Ngoài ra, hiện nay, bạn cũng có thể đến lăng Gia Long bằng cách đi qua cầu Tuần, theo hướng lăng Minh Mạng, qua cầu Hữu Trạch và đi tiếp khoảng 10km. Tuy nhiên, cung đường này khá dài, mất thời gian nên cũng ít người lựa chọn.
Con đường nhỏ dẫn vào lăng Gia Long có cây cối xanh tươi, um tùm ở hai bên. Trước khi vào đến lăng, bạn sẽ bắt gặp 2 Trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng, vốn là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn khi đi qua khu vực này. Trước đây, quanh quần thể lăng Gia Long có đến 85 cột, năm 1859 còn 42 cột và hiện nay chỉ còn trông thấy 2 cột.
Toàn bộ khu lăng tẩm được đặt trên một quả đồi bằng phẳng, có không gian rộng lớn hơn 28km², tạo thành một cảnh quan hùng vĩ, chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch, một hợp lưu của sông Hương. Ở phía trước lăng có ngọn Đại Thiên Thọ làm án ngữ, phía sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Hai bên trái và phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là Tả thanh long và Hữu bạch hổ.
Lăng Gia Long không nguyên tắc đối xứng, không nhiều những công trình an dưỡng. Các công trình lăng được bố trí theo chiều ngang gồm 3 khu vực chính có kiến trúc đơn giản và hài hòa với thiên nhiên. Ở chính giữa là khu lăng mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu với hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức”. Hình ảnh này là minh chứng cho tình cảm vợ chồng hạnh phúc và thủy chung mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở những khu lăng mộ khác.
Bên phải là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Đây là nơi để thờ Hoàng đế và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu – vị Hoàng hậu thứ nhất. Bên trong điện là những kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ và yên ngựa.
Đi về phía bên trái của khu lăng, bạn sẽ bắt gặp Bi Đình, nơi có một tấm bia lớn khắc bài “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng để ca ngợi vua cha.
Ngoài ra, các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng sẽ dẫn bạn đến với nhiều công trình lăng phụ cận khác như lăng Quang Hưng (lăng Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần), lăng Vĩnh Mậu (lăng Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái), lăng Thoại Thánh (lăng Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu, thân mẫu của vua Gia Long), lăng Hoàng Cô (lăng Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long). Đặc biệt là lăng Thiên Thọ Hữu của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu và điện Gia Thành, nơi thờ mẹ của vua Minh Mạng.
Mọi người đến viếng lăng Gia Long sẽ cảm nhận được phong cảnh xinh tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa, thấy được sự tĩnh lặng nhưng vẫn đầy sức sống nơi thiên nhiên hoang sơ.
Nguồn: http://wanderlusttips.com