Cùng Wanderlust Tips điểm danh những món ẩm thực Huế nổi tiếng và gợi ý các địa chỉ thưởng thức chúng tại Hà Nội được thực khách tín nhiệm và yêu thích.
Ẩm thực Huế từ lâu đã vang danh bởi nét dung dị nhưng tinh tế, mang những sắc thái riêng biệt trở thành một phần của văn hóa Huế, rộng hơn là văn hoá Việt Nam. Bên cạnh những món nổi tiếng và đặc trưng nhất là bún bò Huế hoặc các loại bánh Huế thì ẩm thực cố đô còn có nhiều món ăn gây thương nhớ như cơm hến, bún hến, bánh canh…
BÚN BÒ HUẾ
Đúng như tên gọi, bún bò Huế là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất cố đô. Món ăn này có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Đặc biệt, trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế.
Ăn một bát bún đang bốc khói, trong đó nổi bật là những sợi bún trắng, những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những lát thịt bò ngọt dai, những miếng móng giò được ninh mềm nhừ cùng với một chút màu trắng của những cọng giá và màu xanh của rau sống, húp một ít nước beo béo đậm đà kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh bạn sẽ cảm nhận được sự thâm trầm, lắng đọng của nền ẩm thực Huế vốn đã vang danh từ lâu.
Không chỉ được yêu thích trên mảnh đất cố đô mà ngay ở Hà Nội này bún bò Huế cũng là món ăn vô cùng hấp dẫn được người dân đón nhận nhiệt tình như món bún thang, bún riêu quen thuộc. Trong tiết trời se lạnh, thưởng thức một bát bún nóng hổi cùng những lát thịt bò thái mỏng, giò heo ninh mềm là lựa chọn của nhiều người. Ở Hà Nội, một bát bún bò Huế đầy đặn gồm giò heo, tiết, thịt bò thái mỏng, chả cua, chả bò viên thường có giá từ 30.000VND trở lên.
Hãy thử đến những quán gợi ý dưới đây nếu bạn muốn thưởng thức bún hò Huế ở Hà thành.
• Quán bún bò Huế :19 Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng.
• Bún bò Huế O Xuân, số 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm
• Quán Huế: 105-E5 Thái Thịnh, quận Đống Đa
• Bún bò O Huyền: Số 130 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ.
CƠM HẾN, BÚN HẾN
Từ lâu, cơm hến, bún hến đã trở thành món ăn truyền thống và dân dã của người Huế. Từ con hến nhỏ bé như đầu đũa sống dưới lòng sông Hương, được người dân vạn đò đánh bắt, đãi hết bùn đất để chế biến thành những món ăn vang danh của miền đất cố đô trầm mặc.
So với những món cơm nổi danh của người Việt như cơm gà, cơm lam… thường ăn nóng, thì cơm hến là món ăn rất đặc biệt vì dùng cơm nguội để chế biến. Những người bán cơm hến kể rằng: Để làm ra món cơm hến đúng nghĩa và ngon thì cần phải dùng cơm nguội để qua đêm, như vậy mới giữ được cái giòn của rau và hương thơm của các gia vị. Món ăn xuất phát từ tầng lớp bình dân này là sự pha trộn một cách hài hòa và về màu sắc và hương vị của các loại nguyên liệu cấu thành: nồng của gừng, cay của ớt, the của rau và ngọt của hến. Cơm hến dân dã nhưng lại là món ăn tinh tế đúng như bản chất của người phụ nữ kinh kì khiến ai ăn qua sẽ không thể nào quên.
Cùng với cơm hến, bún hến cũng là món ăn chế biến từ hến rất được thực khách yêu thích. Bát bún hến giản dị nhưng đốn tim thực khách bởi vị ngọt thơm đậm đà, dai dai của hến xào. Mỗi khi có khách, chủ quán sẽ cho phần hến đã được xào chín lên bát bún trắng đã trần qua, thêm các loại rau sống, bì lợn thái nhỏ, lạc rang thơm phúc rồi chan nước kèm với nước lèo nóng bốc khói nghi ngút. Món đặc sản bình dân này thường được ăn kèm với hoa chuối non, rau môn, rau má thái nhỏ kèm với gia vị cay ớt, vị cay nồng của tỏi và chút đậm đà của mắm ruốc.
Ngày nay, không phải chỉ ở Huế mới có cơm hến, bún hến mà người Huế cũng mang hai món đặc sản này đến khắp mọi nơi, trong đó có thủ đô Hà Nội. Bạn có thể thưởng thức món ăn truyền thống cố đô này ở một số địa chỉ như:
• Hệ thống nhà hàng Nét Huế: 198 Hàng Bông; 33 Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa; 83 Trần Duy Hưng – Cầu Giấy; 43 Mai Hắc Đế…
• Nhà hàng Trăng Vĩ Dạ: 89 Nguyễn Khuyến, Đống Đa
• Quán ăn Huế: 105 E5 Thái Thịnh, Quận Đống Đa
• Hệ thống Quán ăn Ngon: 18 Phan Bội Châu; 34 Phan Đình Phùng: 090 221 696; 25T2 Hoàng Đạo Thúy
CÁC MÓN BÁNH HUẾ
Nhắc tới ẩm thực Huế mà không nhắc tới các món bánh Huế nhỏ xinh hấp dẫn thì thực là thiếu sót. Có nhiều loại bánh Huế nổi tiếng như: bánh bột lọc, bánh bèo, bánh bèo chén, bánh ram ít, bánh nậm… Mỗi loại lại mang những đặc trưng hương vị riêng, thơm ngon riêng không lẫn vào đâu được.
Bánh bèo làm từ bột gạo hấp chín trắng tinh, bên trên lại cho thêm tôm sấy, tóp mỡ vàng ruộm đến là thích mắt.
Bánh nậm cũng làm từ bột gạo trắng nhưng thay vì đổ vào các khuôn hay chén tròn thì bột gạo được phết mỏng đều lên lá chuốt, sau đó lại tiếp tục dải lên trên là lớp nhân vàng gạch thơm lừng của thịt heo trộn với tôm bằm cùng chút hành lá. Cuối cùng bánh được gói lại thành từng gói nhỏ và đem hấp chín thơm phức.
Bánh bột lọc được làm từ thứ bột lọc khi hấp chín nhìn thấy bột bánh trong suốt để lộ ra phần nhân bên trong hấp dẫn vô cùng. Nhân bánh bột lọc có hai loại mặn, ngọt. Bánh mặn là nhân tôm, thịt ba chỉ thái xắt nhỏ, còn ngọt (bánh chay) là nhân đậu xanh xào. Ngoài ra bánh bột lọc Huế (bánh lọc) lại được chia tiếp làm 2 loại gồm bánh lọc lá và bánh lọc trần.
Bánh ram ít nhân tôm được cấu thành từ 2 phần riêng biệt ghép lại với nhau, bánh ít dẻo dính bên trên và đế ram giòn rụm phía dưới. Phần khó nhất là bánh ít bên dưới được làm từ bột nếp giã nhuyễn rồi bọc nhân tôm đậm đà. Khi ăn các nguyên liệu hòa quyện tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng.
Bánh ướt của Huế cũng giống như bánh cuốn của Hà Nội, song điểm khác biệt với bánh cuốn Thanh Trì hay bánh cuốn nhân thịt thường sử dụng thịt lợn, mọc nhĩ, nấm hương thêm vào thì bánh cuốn Huế sẽ rắc rôm sấy đỏ cam bắt mắt lên trên cùng.
Và điểm chung của tất cả các loại bánh đều cần chấm thêm với nước mắm pha mặn, ngọt, cay để thêm tròn vị. Càng ăn thực khách càng thích thú, muốn thử thêm loại bánh này lại muốn ăn thêm loại kia một chút, mãi chẳng thể dừng đũa.
Ngay tại Hà Nội, thực khách cũng có thể thưởng thức các món bánh Huế xinh xắn mang đúng hương vị đặc trưng Huế tại:
• Nhà hàng Bánh Xinh: 72 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm
• Hệ thống nhà hàng Nét Huế: 198 Hàng Bông; 33 Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa; 83 Trần Duy Hưng – Cầu Giấy; 43 Mai Hắc Đế…
• Quán Bà Gái: ngõ Hàng Đậu, quận Hoàn Kiếm
BÁNH KHOÁI
Cũng là bánh nhưng bánh khoái lại mang đặc trưng hoàn toàn khác với các loại bánh kể trên của Huế. Bánh khoái xứ Huế có rất nhiều điểm giống với bánh xèo miền Nam tuy nhiên cách đổ bánh và nước chấm là hoàn toàn khác biệt. Bột bánh được pha thêm đường thắng để có màu vàng bắt mắt, nhân bánh ngoài tôm và giá còn có cả một miếng chả và trứng cút nữa. Đặc biệt bánh khoái Huế ngon là nhờ rau sống: cải con, rau thơm, khế, chuối chát, vả…Và nước chấm không phải loại nước mắm chấm lỏng mà lại là thứ nước lèo sền sệt được chế biến từ tương, đậu nành, gan, bột và gia vị.
Cuộn từng miếng bánh vàng giòn rụm cùng cả nhân tôm, thịt, giá trong bánh tráng dai mềm, cho thêm cả rau sống xanh mướt. Khi cuộn với rất nhiều nhân phải thật khéo để bánh tráng vẫn bọc được hết mà không bị vỡ. Xong đâu đấy mấy chấm ngập cuộn bánh trong nước lèo thơm. Các nguyên liệu hòa quyện tuyệt vời khiến thực khách ăn đến đâu thấm đến đây, ăn mãi mà chẳng ngán.
Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng bán món bánh khoái của Huế với giá khoảng 20.000VND/chiếc kèm cả rau sống và bánh tráng ăn kèm thỏa thích. Bạn có thể thưởng thức món bánh này tại các địa chỉ:
• Hệ thống nhà hàng Nét Huế: 198 Hàng Bông; 33 Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa; 83 Trần Duy Hưng – Cầu Giấy; 43 Mai Hắc Đế…
• Quán Bà Gái: ngõ Hàng Đậu, quận Hoàn Kiếm
• Hương vị xứ Thanh: 91 Trần Quốc Vượng, quận Cầu Giấy
BÁNH CANH
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa xác nhận được nguồn gốc nhưng bánh canh là món ăn đặc biệt nổi tiếng ở Huế cũng như Sài Gòn và các tỉnh từ miền Trung trở vào. Gần như tỉnh thành nào cũng có bánh canh, nhưng mỗi vùng mỗi khác. Người ta có thể làm bánh canh từ bột gạo hay bột lọc và kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo nên các món bánh canh ngon như bánh canh cá lóc, bánh canh ghẹ, bánh canh cua, bánh canh bò viên, bánh canh giò heo, bánh canh Trảng Bàng…
Phổ biến đến vậy, nhưng ở Hà Nội, bánh canh lại mới trở nên phổ biến cách đây không lâu và nhanh chóng trở thành một trong những món ăn được các bạn trẻ rất yêu thích bởi sự đậm đà, hương vị thơm ngon. Các hàng bánh canh hiếm hoi mở ở Hà Nội trong thời gian này gần như luôn đông nghịt khách, mà đa phần đều là người trẻ. Đặc biệt, do nước dùng trong miền Trung và miền Nam có vị ngọt đậm, lờ lợ nên khi ra Bắc, các chủ quán đã phải gia giảm nêm nếm lại cho phù hợp với khẩu vị của dân hơn.
Giá bánh canh ở Hà Nội so với Sài Gòn hoặc các tỉnh miền Trung thì gần như là đắt gấp đôi. Trung bình, một bát bánh canh đầy đặn có giá 50.000VND. Tuy vậy, do mới lạ và hợp khẩu vị, đây vẫn là một trong những món ăn được yêu thích nhất ở các quán xá Hà Nội.
Ở Hà Nội, bạn có thể tham khảo một số địa chỉ sau để thưởng thức món ăn ngon tuyệt này:
• Quán Út Còi: 2B Quang Trung, quận Hoàn Kiếm
• Bánh canh: 69 Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa
• Bánh Canh Chợ Cồn: 11 Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm
• Quán Sông Hàn: 101 B6 Ngõ 21 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa
NEM LỤI
Nem lụi được chế biến khá đơn giản với thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái mỏng như miến, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu đường, thính. Sau đó, người ta lụi hỗn hợp này vào từng chiếc đũa tre nhỏ và nướng trên bếp than. Thịt chín mùi hương tỏa ra thơm phức khiến thực khai ai cũng phải xao xuyến lòng.
Nem lụi được mang ra phục vụ thực khách phải ăn đúng cách mới cảm nhận hết cái ngon, cái tinh túy của món ăn. Ấy là ăn cùng bánh tráng, rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung… Nếu ai thích ăn cay có thể thêm một chút ớt tươi cay cay. Cuốn tất cả nguyên liệu và chấm cùng nước lèo đặc trưng tạo nên hương vị độc đáo. Đó là mùi thơm của miếng nem lụi nướng vàng ươm, chút cay cay của tiêu và ớt, vị ngọt, khẽ béo ngậy, bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát từ rau xanh… Tất cả hòa quyện tạo thành sự thơm ngon không kể xiết.
Tại Hà Nội, thực khách có thể thưởng thức món nem lụi xứ Huế hấp dẫn tại các địa chỉ:
• Bún bò Huế O Xuân, số 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm
• Bánh xèo – Nem lụi 166B Đội Cấn, quận Ba Đình
• Hệ thống nhà hàng món Huế: 75 Tràng Thi, 77A Trần Hưng Đạo, 179 Phố Huế, 316 Bà Triệu…
Nguồn: wanderlusttips.com