Kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái ngày càng tăng, gây áp lực đối với hầu hết các thị trường hàng hóa, làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại và nhập khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới – Trung Quốc – suy yếu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên tăng 1,8% lên 747 CNY (tương đương 111,42 USD)/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Singapore giảm 5,4% xuống 106,45 USD/tấn, trong phiên có lúc giảm 1,3% xuống 111 USD/tấn.
Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng, nhưng chính phủ vẫn tiếp tục áp đặt các lệnh cấm có mục tiêu đối với các hoạt động di chuyển bất cứ khi nào phát hiện các ca nhiễm mới.
Tất cả cư dân ở 9 trong số 16 quận của trung tâm tài chính sẽ được kiểm tra hai lần trong tuần này sau một đợt bùng phát dịch mới xuất hiện.
Giới chuyên gia nhận định dịch COVDI-19 có thể quay trở lại Trung Quốc thêm lần nữa bởi ngày càng nhiều ca dương tính được phát hiện tại Thượng Hải.
Chính sách Zero COVID của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã dẫn đến việc đóng cửa trên diện rộng, điều đó đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng trong kịch bản xấu nhất, nếu dịch COVID-19 lan mạnh, việc đóng cửa sẽ chỉ mang tính cục bộ ở một số khu vực chứ không rộng rãi như trước đây vì chính phủ đang cố gắng cân bằng giữa việc kiểm soát COVID-19 và phát triển nền kinh tế.
Trên sàn Đại Liên giá than cốc tăng 1,1% và giá than luyện cốc tăng 1,3%. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,1%, thép cuộn cán nóng tăng 0,7% và thép không gỉ tăng 0,4%.
Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), sản lượng thép thô, gang và sản phẩm thép thành phẩm của Trung Quốc vào tháng 5 là 96,61 triệu tấn, 80,49 triệu tấn và 122,61 triệu tấn, giảm 3,5%, tăng 2% và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng trung bình hàng ngày là 3,11 triệu tấn, 2,59 triệu tấn và 3,95 triệu tấn, tăng 0,8%, tăng 1,5% và tăng 3,3% so với mức trung bình ngày của cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đã sản xuất 435,02 triệu tấn thép thô, 360,87 triệu tấn gang và 549,31 triệu tấn sản phẩm thép, giảm 8,7%, giảm 5,9% và giảm 5,1% mỗi năm. 
Theo NBS, trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 806.000 tấn sản phẩm thép, giảm 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lượng thép thô nhập khẩu đạt 1,36 triệu tấn, giảm 46%. Trong 5 tháng đầu năm, quốc gia này nhập khẩu tổng cộng gần 5 triệu tấn thép thành phẩm và 8,72 triệu tấn thép thô, giảm tương ứng 18,3% và 20,3%.

Nguồn: VINANET/VITIC/Reuters