Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 16h30, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 64,60 triệu đồng/lượng (giảm 1.050.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua) - bán ra 65,60 triệu đồng/lượng (giảm 750.000 đồng/lượng)
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 64,70 triệu đồng/lượng (giảm 900.000 đồng/lượng) - bán ra 65,60 triệu đồng/lượng (giảm 750.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 64,60 triệu đồng/lượng (giảm 1.000.000 đồng/lượng) - bán ra 65,62 triệu đồng/lượng (giảm 800.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới 1.622– 1.641 USD/ounce
Giá vàng thế giới sáng ngày 27/9 giao dịch quanh ngưỡng 1.622 – 1.632 USD/ounce, giảm 18 USD/ounce so với hôm qua, đến chiều hôm nay giá tăng mạnh, giao dịch trong khoảng 1.632 – 1.641 USD/ounce.
Giá vàng trên thị trường quốc tế gặp khó khăn khi ba thành phần của nền kinh tế Mỹ thể hiện sức mạnh phục hồi ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn. Trong đó, USD tiếp tục duy trì sức mạnh trong hơn hai thập kỷ. Nhu cầu tiêu dùng đang lên cao, thị trường chứng khoán Mỹ đang có chiều hướng mạnh trở lại. Đây là 3 sức mạnh khiến vàng đang ngày càng lép vế.
Ngoài ra, việc giá dầu thô liên tiếp giảm cũng có tác động tiêu cực tới kim loại quý. Rạng sáng nay, giá dầu thô của Nymex đã chạm mức thấp nhất trong 7 tháng và giao dịch quanh mức 78 USD/thùng. Thời gian gần đây, giá dầu thô liên tiếp giảm do đồng USD tăng lên mức đỉnh trong vòng 2 thập kỷ, lo ngại thiếu hụt nguồn cung và nguồn cầu giảm trên toàn thế giới tăng, và “cuộc đua” tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn nhằm kiềm chế lạm phát tăng nóng.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn đã chạm mức thấp nhất 2,5 năm. Xu hướng giảm tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc 1.700 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.600 USD/ounce.
Triển vọng của giá vàng phụ thuộc vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và đây là một cơn bão mà bạn phải tránh nếu là một nhà đầu tư vàng, ông Haberkorn nói thêm.
Lãi suất của Mỹ cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của tài sản vốn không sinh lãi như vàng, trong khi củng cố đồng USD và lợi suất trái phiếu. Vàng đã mất hơn 400 USD giá trị, tương đương hơn 20%, kể từ khi tăng trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce vào tháng 3 vì các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất. Cùng với đó, áp lực lên thị trường vàng gia tăng khi đồng USD chạm mức cao nhất kể từ năm 2002, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, nhận định đà tăng của đồng bạc xanh vẫn chưa kết thúc và điều đó sẽ tiếp tục gây áp lực lên vàng.
Trong khi triển vọng tăng lãi suất nhiều hơn làm tâm lý đối với vàng trong thời điểm hiện tại suy yếu, một số nhà phân tích cho rằng kim loại quý vẫn được hỗ trợ bởi rủi ro suy thoái và căng thẳng địa chính trị. “Thị trường ghi nhận sức mạnh của đồng USD và sự gia tăng trong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, điều này thường sẽ đẩy vàng xuống thấp hơn. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, vàng không thể hiện quá tệ trong môi trường hiện tại”, ông Ross Norman, một nhà phân tích độc lập, nhận định.

Nguồn: Vinanet/VITIC