Giá vàng trong nước tăng
Vào lúc 11h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 59,75 triệu đồng/lượng - bán ra 60,47 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 59,70 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng) - bán ra 60,35 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 59,80 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng) - bán ra 60,45 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 59,75 triệu đồng/lượng - bán ra 60,40 triệu đồng/lượng (tăng 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.789 – 1.798 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 26/11 giao dịch quanh ngưỡng 1.789 – 1.798 USD/ounce, tăng 1 – 3 USD/ounce so với hôm qua.
Đêm qua, giá vàng thế giới vẫn không thể leo lên đến 1.800 USD mà chỉ dao động trong ngưỡng 1.790-1.795 USD/ounce. Lúc 22h đêm qua theo giờ việt Nam, giá vàng thế giới tăng nhẹ 0,6 USD (0,03%) lên 1.790,70 USD/ounce.
Sau chuỗi phiên giảm mạnh, giá vàng đã đi vào vùng trung lập. Theo một số nhà phân tích, kim loại quý vẫn được hỗ trợ bởi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù Ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng sau cuộc họp chính sách tiền tệ vừa qua nhưng biên bản cũng cho thấy Fed không vội tăng lãi suất.
Cùng với việc vẫn kiên nhẫn đối với chính sách lãi suất, biên bản cũng cho thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục coi lạm phát là nhất thời. Chính điều này đã tác động tới diễn biến các thị trường những phiên vừa qua, trong đó có thị trường kim loại. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm theo phái “diều hâu” được trình bày trong biên bản khi một số thành viên của Ủy ban thị trưởng mở (FOMC) thuộc Fed cho rằng Ngân hàng trung ương có thể phải tăng tốc độ quá trình cắt giảm lượng mua trái phiếu và thậm chí tăng lãi suất sớm hơn dự kiến nếu áp lực lạm phát tiếp tục kéo dài. Trong số này, các ý kiến đều cho rằng đợt tăng lãi suất đầu tiên sẽ đến vào nửa cuối năm nay.
Trong 4 phiên giao dịch gần đây (từ ngày 22 đến 25/11), giá vàng đã mất gần 50 USD/ounce sau khi Tổng thống Joe Biden chọn ông Jerome Powell tiếp tục giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhiệm kỳ sắp tới. Điều này cho thấy Mỹ kiên định lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Nghĩa là FED có thể sớm tăng lãi suất cơ bản trong năm 2022 nhằm hạn chế đà tăng của lạm phát. Từ đó, giới đầu tư tài chính kỳ vọng giá trị của USD sẽ đứng vững, thúc đẩy họ nắm giữ "đồng bạc xanh", giúp đồng tiền này duy trì sức mạnh so với nhiều ngoại tệ khác, khiến giá vàng thế giới trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu đứng ở mức cao 1,67%/năm và được dự báo tăng lên trong thời gian tới. Khi đó, có thể nhiều người sẽ dồn vồn vào trái phiếu, đồng nghĩa dòng tiền chảy vào thị trường vàng bị chi phối. Giá vàng thế giới sẽ đi xuống. Thế nên tại thời điểm này, các nhà đầu tư không dám mua vàng.
Giá vàng đóng cửa sớm sau khi kết thúc phiên giao dịch 25/11 tại châu Âu do thị trường Mỹ nghỉ lễ. Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá đang có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Tuy nhiên xu hướng tăng kéo dài 7 tuần trên biểu đồ ngày vẫn bị đình lại và chưa có thêm được động lực.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc ở mức cao nhất trong tuần này là 1.850,40 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo đẩy giá vàng xuống dưới hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức thấp nhất tháng 11 là 1.758,5 USD/ounce.
Trên Kitco, Commerzbank cho rằng, yếu tố ảnh hưởng mạnh tới giá vàng chính là đồng USD mạnh lên. Theo đó, đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm ngoái tỷ giá EUR/USD xuống dưới ngưỡng 1,12 lần.

Nguồn: Vinanet/VITIC