Trong phiên giao dịch 14/10, giá vàng giao ngay tại New York có lúc lên cao nhất kể từ ngày 23/6 ở 1.188,2 USD/ounce. Tuy nhiên cuối phiên, giá vàng giao ngay giảm nhẹ về 1.187,56 USD/ounce nhưng vẫn tăng 1,6% tính đến 15h09.  

Giá vàng giao tháng 12/2015 tại Mỹ cũng tăng mạnh 1,2% lên 1.179,8 USD/ounce và ghi nhận lần đầu tiên vượt mức giá trung bình của 200 phiên gần đây nhất trong 5 tháng qua.

Các báo cáo doanh số bán lẻ, chỉ số giá sản xuất (PPI) và khảo sát Beige Book của Mỹ đều cho thấy những tín hiệu tiêu cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giới đầu tư cũng theo đó càng mất niềm tin vào việc Fed sẽ nâng lãi suất trong cuối năm nay và dần chuyển vốn từ USD sang vàng.

Cụ thể theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ gần như không thay đổi mà chỉ tăng 0,1%, do giá xăng giảm mạnh. Thậm chí, doanh số bán các mặt hàng lõi, không bao gồm ôtô, xăng, vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm, giảm 0,1% trong cùng tháng.

Cùng ngày Bộ Lao động Mỹ lại cho biết, chỉ số PPI của Mỹ giảm 0,5% trong tháng 9, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2015. Như vậy trong 12 tháng tính đến tháng 9, PPI của Mỹ đã giảm 1,1%, dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, khảo sát Beige Book của Fed lại chỉ ra rằng, thị trường lao động Mỹ ngày càng thắt chặt hơn trong khi đà tăng giá của USD lại ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất của Mỹ.

Tất cả những tín hiệu này đều là yếu tố bất lợi đối với kế hoạch nâng lãi suất của Mỹ. Từ tuần trước, một số chuyên gia và tổ chức tài chính đã đưa ra dự báo rằng, Fed có thể sẽ trì hoãn nâng lãi suất sang tận năm 2016 vì kinh tế Mỹ chưa đủ mạnh mẽ để chống chịu một đợt nâng lãi suất ngay trong năm nay.

Ngoài ra, giá một số kim loại quý khác cũng tăng. Giá bạc, bạch kim và palladium lần lượt tăng 1,7%, 0,8% và 2,8%.


Từ đến cuộc họp chính sách cuối tháng 10 của Fed, giới đầu tư sẽ tiếp tục phân tích các báo cáo kinh tế để dự đoán động thái của Fed. 

Nguyễn Dung

Theo Reuters