Bên cạnh đó, thị trường tài chính đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, và sự xoay trục đó sẽ khiến đồng USD giảm giá. Do đồng là một hàng hoá cơ bản được định giá bằng USD, nên khi bạc xanh mất giá, giá đồng tính bằng USD sẽ tăng lên.
“Dự báo lạc quan về giá đồng liên quan nhiều hơn tới các yếu tố vĩ mô”, trưởng bộ phận hàng hoá cơ bản của công ty Bank of America Securities, ông Matty Zhao, nhận định với hãng tin CNBC. Ông Zhao nói rằng những yếu tố vĩ mô đó bao gồm khả năng Fed giảm lãi suất và xu hướng mất giá của đồng USD.
Ngoài ra, tại hội nghị chống biến đổi khí hậu quốc tế COP28 gần đây, hơn 60 quốc gia đã ủng hộ kế hoạch từ nay đến năm 2030 tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu. Citibank nhận định rằng kế hoạch này “sẽ cực kỳ có lợi cho giá đồng”. Trong một báo cáo hồi tháng 12, ngân hàng Mỹ này dự báo rằng các mục tiêu lớn hơn về năng lượng tái tạo sẽ dẫn tới nhu cầu kim loại đồng toàn cầu đến năm 2030 tăng thêm 4,2 triệu triệu tấn.
Sự gia tăng nhu cầu này có thể đẩy giá đồng lên mức 15.000 USD/ tấn vào năm 2025 - Citibank nhận định. Mức giá đó cao hơn nhiều so với kỷ lục hiện tại của giá đồng là 10.730 USD/tấn thiết lập vào tháng 3/2023.
“Dự báo này dựa trên giả định kinh tế Mỹ và châu Âu hạ cánh rất mềm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sớm phục hồi và Trung Quốc nới lỏng mạnh mẽ chính sách tiền tệ”, báo cáo của Citibank cho biết, đồng thời nhấn mạnh việc các quốc gia cần tiếp tục đầu tư vào cuộc chuyển giao năng lượng.
Tăng trưởng kinh tế thường thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồng - kim loại được sử dụng phổ biến trong thiết bị điện và máy móc công nghiệp. Nhu cầu đồng thường được coi là một chỉ báo về sức khoẻ của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng tái toạ, đồng giữ vai trò không thể thiếu trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện, lưới điện, và turbine gió.
Giá đồng giao tại Sở giao dịch kim loại London (LME) gần đây dao động quanh ngưỡng 8.560 USD/oz.
Ngoài sự gia tăng của nhu cầu đồng và môi trường vĩ mô trở nên thuận lợi hơn, giới phân tích cho rằng giá đồng còn có khả năng tăng do sự suy giảm của nguồn cung khai mỏ. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo sản lượng khai mỏ đồng toàn cầu giảm hơn nửa triệu tấn trong năm 2024.
Tháng 11 vừa qua, công ty First Quantum Minerals đã tạm ngừng sản xuất tại Cobre Panama, một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới, sau một phán quyết của toà án tối cao Panama và các cuộc biểu tình ở nước này do lo ngại về môi trường. Anglo American, một nhà sản xuất đồng lớn, cho biết sẽ cắt giảm sản lượng đồng trong năm 2024-2025 như một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí.
“Việc nguồn cung đồng bị cắt giảm củng cố quan điểm của chúng tôi rằng thị trường đồng đang bước vào một thời kỳ thắt chặt rõ ràng hơn nhiều”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định. Các nhà phân tích của ngân hàng này dự báo giá đồng đạt mốc 10.000 USD/tấn trong năm nay và tăng cao hơn nhiều trong năm 2025.
Những nước hưởng lợi nhiều nhất từ “cơn sốt” giá đồng được dự báo sắp xuất hiện sẽ là Chile và Peru - theo một báo cáo của công ty BMI. Cả hai nước này đều sở hữu trữ lượng lớn các khoáng sản giữ vai trò trụ cột trong cuộc chuyển đổi xanh như lithium và đồng. Trong đó, Chile chiếm khoảng 21% trữ lượng đồng toàn cầu.
“Chúng tôi đang ngày càng tin rằng giá đồng sẽ tăng mạnh lên mức bình quân 15.000 USD/tấn trong thời gian từ nay đến năm 2025.
Nguồn cung đồng giảm xuống cũng đồng nghĩa rằng các nhà máy luyện đồng mới đi vào hoạt động sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nguyên liệu tinh quặng đầu vào - theo nhà phân tích Wang Ruilin của công ty S&P Global. Quặng đồng sau khi được khai thác từ các mỏ sẽ được chế biến thành tinh quặng đồng. Sau đó, tinh quặng sẽ được chuyển tới các nhà máy luyện đồng để tinh luyện thành đồng.
“Các nhà máy luyện đồng sẽ bị thiếu nguồn cung tinh quặng từ năm nay, và sự thiếu hụt này sẽ càng trầm trọng hơn trong năm 2025-2027”, bà Wang nhận định.