Với dự báo về việc sử dụng xe điện gia tăng, các kim loại để sản xuất pin điện sẽ ngày càng được quan tâm, trong đó có niken, với trữ lượng trên thế giới hiện vào khoảng 89 triệu tấn.
Niken - một kim loại màu trắng bạc, bề mặt bóng láng, là một trong nhiều tài nguyên đang được săn đón trên thế giới, nhất là khi nó được sử dụng nhiều trong ngành công nghệ tương lai như pin xe điện.
Mới đây, Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã thêm niken vào danh sách đề xuất về "50 khoáng chất quan trọng" - được xác định dựa trên yếu tố là những khoáng chất thiết yếu đối với kinh tế hoặc an ninh quốc gia và có chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn - trong khi 4 loại khoáng sản khác như kali, đã bị loại khỏi danh sách năm 2021.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, PGS. TS Ngô Xuân Thành (Đại học Mỏ - Địa chất) cho biết, trên thế giới, khoảng 70% lượng niken được dùng để sản xuất thép không gỉ, 17% được dùng để làm "siêu hợp kim" và 7% được dùng trong công nghiệp mạ, còn lại được ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như pin sạc, chất xúc tác và các hóa chất khác.
"Trong những năm gần đây, kinh tế xã hội trong nước và thế giới phát triển, đi cùng đó là nhu cầu về nguyên liệu kim loại, pin điện được sử dụng rộng rãi. Tỉ lệ kim loại niken được sử dụng trong sản xuất pin hiện chiếm khoảng 4% tổng sản lượng niken thế giới", PGS. TS Ngô Xuân Thành nói.
Dự báo trong giai đoạn sắp tới, do lượng niken sử dụng để sản xuất pin xe điện tăng lên và quy mô sản xuất pin được mở rộng, nhu cầu sản lượng niken sẽ tăng lên đáng kể.
Hơn nữa, trong bối cảnh diễn biến ngành công nghiệp sản xuất thép không gỉ đang tăng trưởng, tiêu thụ niken dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới (từ 2,4 triệu tấn vào năm 2019 lên 2,8 triệu tấn vào năm 2025) và tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khoảng 2,2% một năm.
Sàng tách rác thuộc khu tuyển nổi - Ảnh VGP/Nguyễn Đức
Tiềm năng niken
Theo nghiên cứu của ThS Đào Công Vũ đăng trên trang web của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương), tổng trữ lượng và tài nguyên niken ở Việt Nam ước tính khoảng 3,6 triệu tấn niken kim loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa hơn 3 triệu tấn, Sơn La: 420.523 tấn, Cao Bằng: 133.677 tấn,
Trong đó phần lớn tài nguyên niken tồn tại ở dạng khoáng vật đi kèm trong quặng crôm như vùng mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hóa), hiện chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Quặng niken ở khu vực Sơn La và Cao Bằng chủ yếu là loại hình quặng niken - đồng xâm tán.
Cũng theo ThS Đào Công Vũ, định hướng phát triển công nghệ chế biến sâu niken phù hợp nhất hiện nay là sản xuất các chế phẩm muối niken và tiến tới hợp tác với các doanh nghiệp có công nghệ nguồn để sản xuất pin từ nguồn quặng niken trong nước.
Đạt mục tiêu đó sẽ vừa đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo của công nghiệp xe điện, vừa phát huy được hiệu quả nguồn tài nguyên quý của Việt Nam.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035, trong đó đã nêu rõ "hướng đi" đối với khoáng sản niken.
Theo đó, phấn đấu sản lượng khai tuyển đạt 118.000 tấn tinh quặng niken vào năm 2025. Giai đoạn đến năm 2025, đầu tư và đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sản phẩm niken với tổng sản lượng khoảng 8.000-11.000 tấn/năm.
Chú trọng chuỗi giá trị khép kín, xây dựng "mỏ xanh"
Blackstone Minerals, một công ty thăm dò và khai thác mỏ của Australia đang phát triển 3 dự án có chu trình liên quan chặt chẽ tại phía bắc Việt Nam. Tầm nhìn của Blackstone là trở thành công ty đi đầu trong cuộc cách mạng pin với sứ mệnh đơn giản là Pin xanh cho tương lai tươi sáng (Green batteries. Brighter Future).
Năm 2019, Công ty BlackStone mua lại 90% Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc, xã Bản Phúc, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, nằm cách Hà Nội 160 km.
Phát triển Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc đòi hỏi công việc thiết kế và thử nghiệm nghiêm ngặt và quy mô, để bảo đảm đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội của Chính phủ, cũng như các tiêu chuẩn để đạt được tất cả các giấy phép cần thiết. Công việc này hiện đang được tiến hành và dự kiến sẽ tiếp tục trong 12 tháng tới
Blackstone tập trung vào phát triển quy trình sản xuất ra các loại kim loại dùng cho pin điện bằng việc tích hợp giữa thượng nguồn (khai thác) và hạ nguồn (tinh luyện) tại Việt Nam, để sản xuất ra NCM, tiền chất gồm Nickel-Cobalt-Manganate (NCM) cho ngành công nghiệp pin lithium-ion (Li-ion) đang phát triển ở châu Á và cung cấp sản phẩm có chứng thực "xanh" từ mỏ khai thác đến khách hàng.
Việc Blackstone nỗ lực tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm khai thác và triển khai theo cách thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng thủy điện tái tạo sẽ giúp đưa Việt Nam đi đầu trong cuộc cách mạng xanh.
Dây chuyền nghiền thô tại mỏ niken Bản Phúc - Ảnh VGP/Nguyễn Đức
Dự án thượng nguồn (khai thác) có trọng tâm là mỏ niken Bản Phúc ở tỉnh Sơn La. Các hoạt động hiện tại bao gồm khoan thăm dò và chuẩn bị mẫu để thử nghiệm. Sự phát triển trong tương lai sẽ phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm và việc cấp các giấy phép cần thiết của Chính phủ Việt Nam.
Dự án hạ nguồn (tinh luyện) sẽ bao gồm việc chế biến sâu quặng niken từ dự án (khai thác) ở thượng nguồn, nằm xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Theo ông Scott Williamson, Tổng Giám đốc Blackstone Minerals, hiện dự án đang tích cực triển khai giai đoạn thử nghiệm để đưa nhà máy hoạt động vào năm 2025. Đặc biệt, dự án chú trọng xây dựng các "mỏ xanh", giảm thiểu chất CO2 ra ngoài khí quyển để tiến tới đạt được mục tiêu không phát thải CO2 trong tương lai.
Theo PGS. TS Ngô Xuân Thành, công nghệ mới được Công ty Blackstone Minerals đưa vào tạo nên thành phẩm sử dụng để chế biến pin là một hướng đi mới.
"Nguồn quặng chủ yếu dưới dạng xâm tán trong mỏ niken Bản Phúc sẽ được chú trọng, khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo, đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nước ta, cũng như góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương", PGS. TS Ngô Xuân Thành nói.
Với nhu cầu niken đang ngày càng tăng cao trong bối cảnh cách mạng xe điện, việc thúc đẩy nguồn niken tự nhiên sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Nguồn: chinhphu.vn