Trong năm nay, giá nhôm đã tăng 31%, hiện đạt mức 2.615 USD/tấn.
Cổ phiếu của các "ông lớn" ngành nhôm thế giới đã tăng hai con số trong năm nay, theo đó của Alcoa (Mỹ) tăng 68%, trong khi của Norsk Hydro (Châu Âu) tăng 47%.
Chuyên gia phân tích Colin Hamilton của BMO Capital Markets cho biết thị trường nhôm năm nay có thể vượt qua năm 2010 để trở thành "mức tăng nhu cầu hàng năm lớn nhất trong lịch sử".
Nhôm được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ đồ hộp đến bao bì, xây dựng và hàng không vũ trụ - những ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ cùng với đà hồi phục kinh tế thế giới. Ngoài ra, nhôm cũng được sử dụng trong ô tô điện, cả trong bộ pin và thân của một số mẫu xe cao cấp.
Eoin Dinsmore, một nhà phân tích của CRU, cho biết: "Do nền kinh tế toàn cầu hồi phục trên diện rộng, nên nhôm đang được hưởng lợi ở hầu hết các mặt trận".

1-nhom-1217-1628557998.jpg Giá nhôm tăng cao trong thời gian vừa qua.

Hơn 74% tổng số bia bán ở Mỹ được đóng gói trong lon và chai nhôm. BMO dự báo tiêu thụ nhôm toàn cầu sẽ tăng 8,5% trong năm nay lên 68,2 triệu tấn.
Giá nhôm đang tăng mạnh cũng do sự hạn chế về nguồn cung. Hạn hán ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã khiến sản lượng thủy điện của khu vực này bị sụt giảm, gây ra tình trạng thiếu hụt điện và buộc chính quyền địa phương phải yêu cầu các nhà máy luyện nhôm giảm lượng điện sử dụng.
Nhà phân tích Dinsmore của CRU cho biết Vân Nam chiếm 50% mức tăng trưởng sản lượng nhôm toàn thế giới giai đoạn 2020 đến năm 2023, vì vậy bất kỳ sự thiếu hụt nào ở đó đều có tác động tới toàn cầu.
"Điều này cực kỳ quan trọng đối với thị trường - đó là nơi diễn ra sự tăng trưởng nguồn cung," ông Dinsmore nói.
Tăng trưởng sản xuất nhôm toàn cầu đã giảm một nửa trong quý II năm nay ngay bất chấp giá tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trên cả thị trường London và Thượng Hải.
Công suất sản xuất nhôm trong quý II/2021 đã giảm 120.000 tấn, sau khi tăng 590.000 tấn (so với cùng kỳ năm trước), theo Viện Nghiên cứu Nhôm Quốc tế (IAI).
Những dữ liệu cập nhật cho thấy, sản lượng nhôm thế giới đang thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhu cầu, nhất là ở Trung Quốc, quốc gia vẫn không thể sản xuất đủ nhôm loại nguyên sinh để cung cấp cho thị trường trong nước.
Trung Quốc "bó tay"
Trung Quốc, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, khi đó vẫn tiếp tục nâng công suất sản xuất, nhưng giá nhôm tại Thượng Hải vẫn vọt lên mức cao nhất 11 năm vào tháng 6, trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng nóng.
Mặc dù vậy, phản ứng của ngành sản xuất nhôm khi giá mặt hàng này tăng cao dường như đã không thể nhanh nhạy như trước do hàng loạt trở ngại liên quan đến nguồn cung điện ở một số lò luyện tại một số tỉnh thành của nước này.
Các số liệu ước tính của IAI hơi khác so với số liệu chính thức của Trung Quốc, nhưng cả 2 số liệu đều có chung quan điểm là sản xuất bị đình trệ. Một số tỉnh đã không đạt các mục tiêu trong năm nay, dẫn tới việc phải cắt giảm công suất sản xuất, như ở Nội Mông vào đầu năm nay.
Mặc dù sản lượng nhôm của Trung Quốc 6 tháng đầu năm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng rõ ràng thị trường Trung Quốc đang thiếu kim loại này. Quốc gia này đã nhập khẩu thêm 294.081 tấn nhôm nguyên sinh và hợp kim nhôm trong tháng 6, tiếp tục đà tăng nhập khẩu từ quý II năm ngoái.
Nhận thức được điều này, Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch bán kim loại từ kho dự trữ quốc gia, bao gồm 90.000 tấn nhôm bán vào ngày 29/7.
Ở các nơi khác trên thế giới, công suất sản xuất giảm nhẹ kể từ tháng 3. Theo đó, sản lượng trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 13,04 triệu tấn, tức là chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi so sánh thấy Trung Quốc vẫn dẫn đầu mức tăng sản lượng toàn cầu khi tăng 4,4%.
Trên lý thuyết, có rất nhiều tiềm năng để sản lượng nhôm của Trung Quốc trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh. Sản lượng nhôm hàng năm của nước này hiện đang cao hơn mức 40 triệu tấn (Chính phủ giới hạn ở 45 triệu tấn).
Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn cung điện hiện đang như một chiếc "phanh" kìm hãm tốc độ tăng công suất sản xuất mới và gây áp lực lên một ngành luyện kim vốn phụ thuộc quá nhiều vào than.
Theo dữ liệu của Alcoa, một số tỉnh của Trung Quốc - chiếm gần 65% công suất sản xuất nhôm của quốc gia này – đã không đạt một hoặc cả 2 mục tiêu về năng lượng trong quý I năm nay.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường nhôm đang hy vọng rằng tình trạng giảm sản lượng nhôm ở Vân Nam (Trung Quốc) sẽ dần được cải thiện theo mùa vụ. Ngoài ra, chính sách kiểm soát năng lượng "kép" của Chính phủ Trung Quốc, vừa nhằm đáp ứng mức tiêu thụ, vừa giảm lượng khí thải dẫn tới trung hòa khí thải carbon vào năm 2060, cũng sẽ giúp ngành luyện kim nói chung và ngành nhôm nói riêng của nước này tăng trưởng bền vững.

Nguồn: nhipsongkinhte.com