Giá thép tại Trung Quốc phiên ngày 8/7 tăng lên mức cao, trong đó cả thép xây dựng và thép cuộn cán nóng đều tăng hơn 3%, do dự đoán sản lượng thép sẽ bị cắt giảm.
"Gần đây, dự đoán sản lượng thép thô giảm đã xuất hiện trở lại", SinoSteel Futures cho biết, đồng thời thông tin thêm rằng một số chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản liên quan mặc dù chưa có thông báo chi tiết.
Kết thúc phiên giao dịch, giá thép thanh dùng trong xây dựng, kỳ hạn tháng 10, tăng 3,3% lên 5.439 CNY (840,99 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 3,8% lên 5.768 CNY/tấn - mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 19/5.
Giá nguyên liệu sản xuất thép biến động trái chiều trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên.
Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 phục hồi trở lại vào cuối phiên sau khi giảm mạnh lúc đầu phiên, kết thúc ở mức tăng 1% lên 1.244 CNY/tấn.

Giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng đều tăng hơn 3%, do dự đoán sản lượng thép sẽ bị cắt giảm.

Giá quặng sắt 62% Fe tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc là 217,6 USD/tấn, tăng 5,1 USD/tấn so với ngày 5/7, tương đương với mức tăng 4,1%.
Theo Fastmarkets MB, quặng 62% Fe nhập khẩu vào miền Bắc Trung Quốc đạt 222,4 USD/tấn vào ngày 6/7, tăng 0,3% so với ngày 5/7.
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 8 trên sàn Thượng Hải tăng 2,2% lên 16.880 nhân dân tệ/tấn (2.610 USD/tấn).
Theo nhận định từ sàn giao dịch GF Futures của Hong Kong, giá quặng sắt có kỳ hạn tăng mạnh hơn giá giao ngay vì thị trường kỳ vọng lớn vào các quy định hạn chế sản xuất thép của chính phủ Trung Quốc.
Ngày 5/7, các nhà máy thép lớn tại thủ phủ thép Đường Sơn, Trung Quốc đã hoạt động trở lại sau lễ kỷ niệm 100 thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Năm 2019, quốc gia này sản xuất 1,001 tỷ tấn thép, chiếm 53,5% sản lượng toàn cầu. Năm 2020, sản lượng thép ở nước đông dân nhất thế giới là 1,054 tỷ tấn, chiếm 56,5% sản lượng toàn cầu.

Nguồn: VITIC/Reuters