Giá vàng trong nước giảm nhẹ
Vào lúc 15h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,55 triệu đồng/lượng - bán ra 57,27 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,60 triệu đồng/lượng - bán ra 57,70 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,80 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 57,70 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,65 triệu đồng/lượng - bán ra 57,65 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng chiều ngày 14/9/2021 trong nước giảm nhẹ, thế giới ít biến động
Giá vàng thế giới 1.788 – 1.794 USD/ounce
Cập nhật lúc 14h48 giờ Việt Nam, tức 7h48 giờ GMT, hợp đồng tương lai vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch trên sàn Comex của Sở giao dịch hàng hóa New York giảm 0,14%, về ngưỡng 1791,9 USD/ounce. Trên thị trường giao ngay, giá vàng định ở mức 1791,5 USD/ounce.
Thị trường vàng chịu sự chi phối bởi đà tăng của lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu lợi suất Trái phiếu không tăng, vàng rất có thể chinh phục ngưỡng cản 1800 USD/ounce do nhu cầu của thị trường đã cải thiện.
Hiện tại, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ khác trong rổ tiền tệ, lùi 0,19%, về ngưỡng 92,477. Trong khi đó, lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm tăng tốt lên 1,338%.
Sau một giai đoạn bán ròng liên tục không ngừng nghỉ, quỹ SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới đã mua 2,04 tấn vàng ngày đầu tuần. Hiện, lượng vàng nắm giữ của quỹ tăng lên mức 1000,21 tấn. Các nhà đầu tư đang chờ dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ, sẽ được công bố vào 12h30 GMT.
Investing dự báo lạm phát CPI Mỹ tháng 8 tăng 5,3% so với cùng kì năm ngoái và tăng 0,4% so với tháng trước, thấp hơn số liệu tháng 7 là 5,4% và 0,5% tương ứng. Dự báo CPI lõi Mỹ tháng 8 tăng 4,2% so với cùng kì năm ngoái và tăng 0,3% so với tháng trước.
Nhà phân tích Kyle Rodda của IG Market cho biết:
Có niềm tin rằng nếu lạm phát vượt tầm kiểm soát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải can thiệp và điều đó nghĩa là họ sẽ đẩy nhanh kế hoạch giảm thu mua tài sản và tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Đó là một kịch bản không tốt cho vàng.
Ông Rodda nói thêm rằng vàng đang giao dịch trong khoảng 1760 – 1.830 USD/ounce và điều đó phản ánh sự do dự chung vào thời điểm hiện tại về vấn đề virus corona, tăng trưởng, kỳ vọng lạm phát và chính sách.
Ông cho biết thêm, giá vàng cần duy trì ở mức trên 1.800 USD/ounce trong tuần này, và tốt nhất là 1.830 USD/ounce, để làm giảm mối lo ngại kéo dài của giới đầu tư. Giới đầu tư hiện tập trung sự chú ý vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8, dự kiến đưa ra ngày 14/9. Lạm phát tháng 8 được dự báo giảm nhẹ xuống 4,2%.
Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management cho hay, thị trường dường như vẫn tin vào quan điểm của Fed về lạm phát tạm thời, nhưng thực tế thì không phải vậy.
Ông nhấn mạnh: "Thị trường hơi thờ ơ về lạm phát và họ dường như tin những gì Fed đang nói về sự ‘tạm thời’. Đối với tôi, rõ ràng là có lý do để tin, sự tăng giá nhảy vọt gần đây của một số mặt hàng là tạm thời. Nhưng nếu giá cả tất cả mặt hàng đều tăng lên, thì đó là sự phản ánh của lạm phát. Và đối với tôi, thị trường chắc chắn phải đối diện với lạm phát".
Chủ tịch Day nói thêm, Fed có khả năng sẽ sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ do giá tài sản leo thang. Trên thực tế, sẽ chẳng lâu nữa họ nâng lãi suất. Ông khẳng định: "Lạm phát sẽ kéo dài. Nếu con số lạm phát tiếp tục tăng cao hơn và con số chung đạt mức nhất quán trên 3%, 4% và hơn 5%, Fed sẽ phải tăng lãi suất. Tôi cho rằng, Fed đang cực kỳ miễn cưỡng tăng lãi suất vào lúc này".
Để phòng ngừa lạm phát, ông Day khuyến nghị, các nhà đầu tư nên đặt cược vào các tài sản cứng, cũng như cổ phiếu. Cổ phiếu là một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Ông nói: "Tôi nghĩ, vàng là một biện pháp bảo vệ lạm phát tốt trên cơ sở rủi ro/lợi nhuận bởi vàng có nhiều rủi ro. Trong lịch sử, bạc là một biện pháp phòng ngừa lạm phát tốt hơn, ngay bây giờ, tôi nghĩ bạc vẫn là hàng rào chống lạm phát tốt hơn". Bên cạnh đó, bất động sản cũng là một biện pháp bảo vệ lạm phát tốt nhưng giá nhà đất ở nhiều quốc gia đã bị đẩy lên quá cao.
Dù cho rằng vàng có nhiều rủi ro, ông Day cũng khẳng định: Nhìn vào lịch sử, trong hơn 800 năm, vàng không phải là phương tiện bảo vệ lạm phát tốt nhất. Xét trên cơ sở tương đối, so với những thứ khác, vàng kém hơn hẳn. Tuy nhiên, đó là một biện pháp phòng ngừa giảm phát rất tốt và đó là bởi vì giảm phát thường đi kèm với biến động tiền tệ.
 

Nguồn: VITIC