Giá vàng trong nước tăng
Vào thời điểm lúc 10h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 43,80 triệu đồng/lượng - bán ra 44,27 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ tuần qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 43,70 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng) - bán ra 44,10 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 43,80 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng) - bán ra 44,10 triệu đồng/lượng (không đổi).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 43,90 triệu đồng/lượng - bán ra 44,10 triệu đồng/lượng (không đổi ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới tăng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay giá vàng bật tăng mạnh, có lúc vượt ngưỡng 1.575 USD/ounce. Lúc 7h30 sáng nay giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tăng 3,1 USD (0,2%) và được giao dịch tại 1.574,1 USD/ounce. Tuy nhiên, đến 10h30 xuống 1.570,2 USD/ounce
Tuần trước, giá vàng thế giới chốt ở mức cao là 1.571 USD, đóng cửa phiên ngày cuối tuần, giá vàng giao kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 3,4 USD/ounce tương đương 0,2% lên 1.573,4 USD/ounce. Tính cả tuần, giá vàng giảm 0,9% tính theo hợp đồng gần nhất, theo tính toán của FactSet. Dù vậy, tính trong 30 phiên gần nhất giá kim loại quý trở lại với trạng thái dương 14 USD (0,9%) và duy trì trong vùng giá cao nhất kể từ đầu năm 2013.
Trong tuần, giá vàng thế giới tiếp tục sụt giảm sau cú tăng thần tốc vài ngày trước đó. Trung Quốc tiếp tục có những động thái mạnh tay trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona vẫn chưa được kiểm soát.
Theo nhiều chuyên gia trên thị trường hàng hóa, vàng vẫn được coi như loại tài sản an toàn để mua trong bối cảnh lãi suất thấp trên toàn cầu kéo dài cũng như những nỗi lo ám ảnh về virus cúm Corona.
Kim loại quý này vẫn được một số chuyên gia về hàng hóa cho là tài sản mua vào trong giai đoạn lãi suất giảm trên toàn cầu và trước những lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp.
Nỗi lo về virus Corona đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu và lấn át kết quả thị trường lao động tốt hơn dự báo từ Bộ Lao động của Mỹ. Dịch bệnh truyền nhiễm này đã giữ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 1,6%, qua đó khiến giá vàng vẫn có xu hướng đi lên. Đây cũng là nguyên nhân đẩy thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên cuối tuần dù trước đó đã đạt đỉnh mới.
Ngoài ra, dịch viêm phổi này nếu gây ra một cú sốc kinh tế đủ mạnh để các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất thì điều đó tạo sức ép giảm lên đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ, qua đó, kim loại quý sẽ được hưởng lợi.
Nhà phân tích tại FXTM, Lukman Otunuga, cho rằng báo cáo việc làm tích cực làm gia tăng sự lạc quan về kinh tế Mỹ và sức hấp dẫn của đồng USD, trong khi có thể gây sức ép lên giá vàng.
Còn theo Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, người đã tự mô tả mình là người lạc quan về vàng. Ông cho rằng tác động đầy đủ của bất kỳ sự suy giảm kinh tế tiếp theo nào ở Trung Quốc và nước ngoài là không được đánh giá đầy đủ vào thị trường.
Tương tự, ông Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures, bày tỏ ra quan điểm tích cực đối với kim loại quý. Nếu dịch bệnh do virus Corona tiếp tục diễn biến xấu, nhu cầu mua vàng sẽ tăng lên.
Kinh tế Mỹ đã tạo thêm 225.000 việc làm mới trong tháng Một, cao hơn so với dự báo 164.000 việc làm của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của MarketWatch, cho thấy sức bật đáng ngạc nhiên của thị trường lao động nước này.
Theo kết quả khảo sát diễn biến giá vàng tuần này từ Wall Street cho thấy, 67% cho biết họ dự báo vàng sẽ tăng, 8%, dự báo rằng vàng sẽ giảm, còn lại 25% dự báo giá vàng sẽ đi ngang. Còn theo Main Street, 60% dự báo vàng tăng giá, 24% dự đoán vàng sẽ giảm.

Nguồn: VITIC