Giá vàng trong nước tăng mạnh
Vào thời điểm lúc 14h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 37,55 triệu đồng/lượng - bán ra 37,77 triệu đồng/lượng (tăng 250.000 đ/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả chiều mua vào và bán ra).
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 37,46 triệu đồng/lượng (tăng 260.000 đ/lượng) - bán ra 37,61 triệu đồng/lượng (tăng 160.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 37,47 triệu đồng/lượng (tăng 170.000 đ/lượng) - bán ra 37,62 triệu đồng/lượng (tăng 220.000 đ/lượng).
Giá vàng SJC niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu mua vào 37,46 triệu đồng/lượng - bán ra 37,58 triệu đồng/lượng (tăng 140.000 đ/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng thế giới tăng
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco lúc 14h giao dịch ở mức 1.345 USD/ounce (tăng 9,1 USD/ounce so với trưa hôm qua).
Giá vàng vẫn ở vùng giá cao nhất 13 tháng qua. Mức tăng tính trong 30 phiên gần nhất vẫn ở mức cao là 61,2 (4,79%) và mức tăng tính trong một năm là 59,4 USD (4,64%).
Giá vàng hôm nay cao hơn 2,8% (36,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 37,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 300 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tăng vọt trở lại sau khi chịu áp lực chốt lời trên thị trường châu Á. Sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý vẫn rất lớn trong bối cảnh bất ổn xảy ra khắp nơi trên thế giới, từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng Mỹ-Iran cho tới cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Các yếu khác, căng thẳng chính trị Mỹ - Iran sau cuộc tấn công vào tàu chở dầu cuối tuần trước đã lắng lại, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng ổn định hơn trong phiên đêm qua trong khi cổ phiếu trên thị trường Mỹ tăng nhẹ, giá dầu thô trên sàn Nymex giảm nhẹ về quanh 52 USD/thùng.
Về mặt kỹ thuật, dù chịu áp lực điều chỉnh sau khi tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng nhưng xét về tổng thế xu hướng tăng giá vẫn đang chiếm ưu thế.
Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo của kim loại quý là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất tuần trước là 1.362,20 USD/ounce.
Các thương nhân và nhà đầu tư trên toàn thế giới đang chờ cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) bắt đầu vào sáng nay và kết thúc vào chiều thứ tư (giờ địa phương) với một tuyên bố quan trọng.
Các thành viên FOMC sẽ thảo luận về chính sách tiền tệ của Mỹ. Hầu hết đều tin rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp này, nhưng các thành viên có thể nghiêng về lập trường ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ, để đặt bàn tăng lãi suất trong vài tháng tới.
Trong phiên giao dịch thứ Hai tại thị trường châu Á, giá vàng ban đầu tăng nhưng sau đó lại đảo chiều giảm do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang vào tuần này.
Các thị trường đều đặt cược rất lớn vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất, trong khi những bất ổn thương mại cũng gia tăng sức hấp dẫn của vàng như một kênh đầu tư “trú ẩn an toàn.”
Công cụ FedWatch của công ty chuyên môi giới đầu tư và dịch vụ tài chính CME Group cho biết, kỳ vọng của thị trường về việc Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 18-19/6/2019 đã giảm từ mức 28,3% ghi nhận hôm 13/6/2019 xuống còn 21,7%.
Tuy nhiên, tỷ lệ đặt cược cho khả năng ngân hàng trung ương này sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng Bảy vẫn ở mức cao là 85%.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, việc đồng USD mạnh lên và đang ở quanh mức cao của gần hai tuần trong phiên 17/6/2019 cũng tạo áp lực giảm giá lên vàng. Đồng bạc xanh đang được được hỗ trợ bởi số liệu bán lẻ lạc quan của Mỹ.
Theo thống kê mới nhất, doanh thu bán lẻ tháng Năm tại Mỹ tăng 0,5% nhờ các hộ gia đình mua thêm xe và các loại hàng hóa khác, trong khi số liệu của tháng Tư vừa qua đã được điều chỉnh tăng 0,3% thay vì giảm 0,2% như công bố trước đó. Điều này cho thấy sự hồi phục trong hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ có thể làm giảm bớt những lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm tốc trong quý 2 này.
Ngoài ra, không có tin tức chính trị nào tác động đáng kể đến giá vàng kể cả tin tức về việc leo thang căng thẳng của Hoa Kỳ-Iran sau các cuộc tấn công vào tuần trước trên các tàu lớn ở Vịnh Ô-man mà Mỹ đổ lỗi cho Iran. Nhà lãnh đạo Iran, đã đưa ra một số nhận xét gay gắt về Mỹ và tham vọng hạt nhân, nhưng thị trường không mấy phản ứng. Tuy nhiên, vấn đề này có thể vẫn là một yếu tố tăng giá cho các kim loại trú ẩn an toàn nếu có thêm tác động hay diễn biến khác.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet