Giá vàng trong nước tăng
Vào thời điểm lúc 10h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,10 triệu đồng/lượng - bán ra 56,57 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,10 triệu đồng/lượng - bán ra 56,50 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 56,15 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng) - bán ra 56,50 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 56,16 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đ/lượng) - bán ra 56,48 triệu đồng/lượng (tăng 90.000 đ/lượng).
Giá vàng thế giới 1.944 - 1.952 USD/ounce
Lúc 6h sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.944 – 1.945 USD/ounce giảm 13 USD/ounce so với cùng thời điểm sáng qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 giảm 20,2 USD xuống còn 1941,8 USD/ ounce.
Tới 8h30 sáng lên mức 1.952 USD/ounce (tương đương 55,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Giá vàng giao tháng 12/2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.960 USD/ounce; lúc 10h sáng ở mức 1.951 USD/ounce.
Đêm 17/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.942 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York 1.947 USD/ounce. Giá vàng đêm 17/9 cao hơn khoảng 27,7% (421 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng giá 55 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 1,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 17/9.
Giá vàng trên thế giới giảm khá nhanh do đồng USD tăng trở lại nhờ những nhận định tích cực về kinh tế Mỹ và sự bất ổn tại khu vực châu Âu. Giá vàng thế giới từ đêm hôm qua đã đảo chiều liên tục. Ban đầu giá vàng thế giới bật tăng mạnh khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho đến 2023 nhằm tạo lực đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên khi giá vàng thế giới vượt 1.979 USD/ounce lực bán đã tăng mạnh khiến cho giá vàng lao dốc. Thị trường chứng khoán toàn cầu hầu như giảm điểm qua đêm. Chỉ số chứng khoán Mỹ giảm vào giữa trưa.
Giá của kim loại quý này quay đầu đi xuống khi Bộ Lao động Mỹ ngày 17/9 cho biết có thêm 860.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến hết ngày 12/9, giảm từ mức 884.000 người được ghi nhận một tuần trước đó. Đây là lần thứ 4 số lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo một số nhà phân tích, mặc dù Fed đã phát đi những tín hiệu rằng sẽ không tăng lãi suất nhưng việc thiếu bất kỳ biện pháp kích thích mới nào có thể đẩy giá vàng xuống đáy của phạm vi giao dịch hiện tại.
Trong một báo cáo được công bố hôm 17/9, Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho rằng giá vàng có nguy cơ kiểm tra mức đáy hiện tại quanh mức 1.900 USD/ounce. "Mặc dù Fed đã hứa hẹn lãi suất chạm đáy trong hơn ba năm, nhưng phản ứng trên toàn thị trường với cổ phiếu giảm và đồng đô la mạnh hơn, đã làm dấy lên một số lo ngại rằng hộp công cụ của Fed đã bắt đầu trống rỗng và yếu tố bất ngờ không còn ở đó” ông Ole Hansen cho biết.
Ở một diễn biến khác, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 17/9 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,1% trước viễn cảnh lạm phát thấp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do hậu quả của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, ngân hàng này cũng quyết định tiếp tục duy trì chương trình nới lỏng định lượng hỗ trợ nền kinh tế với quy mô chương trình mua tài sản của ngân hàng là 745 tỷ bảng Anh (947 tỷ USD).
Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhậm chức.
Kết thúc 2 ngày họp chính sách, BOJ thông báo duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở quanh mức 0%. BOJ cũng sẽ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ vốn cho các công ty đang gặp khó khăn...
Các nhà giao dịch và nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn vào cuối tuần này, sau lời nhắc từ Cục Dự trữ Liên bang vào chiều thứ Tư rằng triển vọng kinh tế Mỹ là “rất không chắc chắn”. Kết thúc cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) vào chiều ngày 16/9 cho thấy không có sự thay đổi trong lãi suất của Mỹ, như dự kiến, nhưng Fed đã báo hiệu lãi suất của Mỹ sẽ không tăng trong ít nhất ba năm. Fed nhắc lại rằng họ muốn lạm phát ở mức 2% hoặc cao hơn một chút. Nhiều người hy vọng sẽ rõ ràng hơn về cách Fed dự định gây ra lạm phát trong những tháng tới.
Tuy nhiên, về dài hạn vàng vẫn được dự báo còn tăng giá do hàng loạt bất ổn trên thế giới. Chính Fed cũng đã cảnh báo về triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế Mỹ. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, dù đà phục hồi tốt hơn dự kiến, hoạt động chung của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa đạt mức trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Hơn thế, quốc hội Mỹ chưa tìm được tiếng nói chung về gói kích thích mới khi cả 2 đảng tại Mỹ không chịu nhượng bộ và đổ lỗi lẫn nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một gói kích thích có trị giá lớn hơn nhằm vực dậy nền kinh tế. Ông Trump cũng gây hoang mang khi khẳng định vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được cung cấp sớm nhất vào tháng tới.
Mặc dù giảm giá nhưng vàng được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng. Đợt tăng mạnh trong mua hè năm nay chỉ là sự khởi đầu của thị trường tăng giá đối với kim loại quý. Ngân hàng Canada CIBC cho rằng, giá vàng trung bình sẽ đạt mức 1.925 USD/ounce trong quý III và 2.000 USD/ounce trong quý IV; 2.300 USD/ounce vào năm 2021; 2.200 USD trong năm 2020 trước khi trở về mức 2.000 USD/ounce vào năm 2024.
Lý do vàng được dự báo còn tăng tiếp là bởi lãi suất thực tế thấp, gánh nặng nợ chính phủ Mỹ ngày càng tăng cùng với sự bất ổn địa chính trị phát sinh từ cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ. Sự suy yếu của đồng USD cũng là yếu tố sẽ đẩy giá vàng đi lên.