Giá vàng trong nước giảm mạnh
Vào lúc 11h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 61,90 triệu đồng/lượng - bán ra 62,57 triệu đồng/lượng (giảm 900.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 61,85 triệu đồng/lượng (giảm 850.000 đồng/lượng) - bán ra 62,55 triệu đồng/lượng (giảm 950.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 61,85 triệu đồng/lượng (giảm 900.000 đồng/lượng) - bán ra 62,50 triệu đồng/lượng (giảm 1.000.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 61,80 triệu đồng/lượng (giảm 500.000 đồng/lượng) - bán ra 62,55 triệu đồng/lượng (giảm 600.000 đồng/lượng)
Giá vàng thế giới 1.820 – 1.823 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 8/2 giao dịch quanh ngưỡng 1.820 – 1.823 USD/ounce, tăng 11 – 13 USD/ounce so với hôm qua.
Giới phân tích nhận định giá vàng thế giới tăng do nhu cầu chống lạm phát tăng và nhu cầu trú ẩn an toàn khi căng thẳng địa chính trị thế giới ngày càng nóng lên. Theo đó, thị trường có phần lắng dịu những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản vào tháng 3/2022.
Thế nên, giới đầu tư thôi nắm giữ "đồng bạc xanh" khiến USD giảm giá trên diện rộng, tác động tích cực đến giá vàng hôm nay.
Trong khi đó, tình hình chính trị, quân sự giữa Nga với Ukraine trở nên căng thẳng làm cho thị trường dấy lên lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine. Từ đó, nhiều người tăng nhu cầu mua kim loại quý giữ làm tài sản an toàn. Giá vàng hôm nay có thêm động lực để vọt lên.
Mặt khác, do thị trường chứng khoán quốc tế và lãi suất trái phiếu Mỹ thiếu khởi sắc nên nhiều người đã chuyển dịch một phần vốn vào thị trường vàng. Giá vàng hôm nay tăng là dễ hiểu.
Ngày 7/2, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) đã phục hồi sau nhiều tổn thất do Covid-19 gây ra từ năm 2020 và đạt 4.021 tấn trong cả năm 2021.
Tại Việt Nam, nhu cầu về trang sức ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020. Nhu cầu cả năm 2021 về vàng miếng và tiền xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với 29 tấn được mua trong năm 2020.
Theo WGC, nhu cầu đối với vàng trên toàn cầu đã gia tăng trong quý cuối cùng của năm 2021 khi đạt 1.147 tấn, mức cao nhất theo quý kể từ quý II/2019 và tăng gần 50% so với quý IV/2020.
Giá vàng đang được thúc đẩy một phần bởi chỉ số đô la Mỹ đã giảm mạnh so với mức cao nhất vào cuối tháng Giêng. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 7,30 USD lên 1.815,10 USD/ounce.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều, trong đó có các chỉ số chứng khoán Mỹ. Trọng tâm trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn là các báo cáo thu nhập doanh nghiệp đang được công bố nhìn chung khá lạc quan. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với báo cáo việc làm mạnh mẽ và bất ngờ của Mỹ hôm 4/2 các nhà giao dịch và nhà đầu tư cần tập trung hơn vào chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bởi Fed có khả năng lớn sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% vào tháng 3/2022.
Những lo lắng về lạm phát “nóng” hiện nay cũng phần nào thúc đẩy sự quan tâm mua vào trên thị trường kim loại. Tuy nhiên, Bitcoin lên giá đã hạn chế sự phục hồi của giá kim loại quý.
Nhận định xu hướng: Đêm qua, giá dầu thô giảm nhẹ nhưng vẫn ở vùng giá cao nhất 7 năm khi được giao dịch quanh 91,50 USD/thùng. Các nhà giao dịch dầu thô đang hướng tới giá 100 USD/thùng trong một tương lai không xa. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ suy yếu nhưng lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn ở mức cao ngất ngưởng 1,925%.
Về mặt kỹ thuật, những nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 4 có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc cũng là mức giá cao nhất tháng 1 là 1.856,7 USD. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở mức thấp nhất trong tháng 12 là 1.755,40 USD/ounce.

Nguồn: Vinanet/VITIC