Trong thời gian từ đầu năm đến nay, giá thép đã liên tục có mức tăng cao với hơn 50%. Nhiều doanh nghiệp ngành thép cho rằng, giá thép tăng chủ yếu do giá nguyên vật liệu sản xuất tăng mạnh nhưng, sản lượng thép tiêu thụ vẫn tăng trưởng tốt.
Giá nguyên vật liệu tăng mạnh khiến cho nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm thép. Tập đoàn Hòa Phát cho hay, giá phế liệu đã liên tục tăng mạnh, từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500 USD/tấn vào ngày 10/5/2021, tương ứng mức tăng gấp 2,5 lần.
Thời gian tăng mạnh nhất của từ tháng 11/2020 đến nay, giá phế liệu đã tăng từ mức 300 USD/tấn lên 500 USD/tấn, gần gấp đôi trong vòng 6 tháng.
Từ tháng 4/2021 đến nay, giá phế liệu tăng từ 430 USD/tấn lên 500 USD/tấn, tăng 70 USD/ sau một tháng.
Với quặng, nếu như vào tháng 5/2020, giá quặng sắt ở mức 88 USD/tấn thì đến tháng 5/2021 đã lên mức 229 USD/tấn, cao gấp 2,6 lần.
Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2021, giá quặng tăng từ 167 USD/tấn lên 229 USD/tấn và hiện giá quặng vẫn đang tiếp tục trên đà tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo đánh giá từ Tập đoàn Hòa Phát, giá nguyên liệu tăng mạnh do Trung Quốc đang chiếm giữ 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu và chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới.
Nhu cầu thép ở quốc gia này cũng rất lớn, đặc biệt Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau dịch COVID-19. Vì vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất.
Ở trong nước, giá phế liệu, quặng sắt tăng mạnh suốt thời gian qua tác động rất lớn đến chi phí đầu vào của sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất.
Giá thành phẩm thép trong nước như thép cuộn từ tháng 10/2020 đến nay tăng khoảng 56%; giá thép cây tăng khoảng 42%...
"Giá nguyên liệu tăng bằng số lần, trong khi giá bán thành phẩm chỉ có thể tăng khoảng 50% như hiện nay khiến cho doanh nghiệp thép gặp khó khăn.", Tập đoàn Hòa Phát cho hay.
Hiện nay, giá bán tại các vùng đều đã tăng từ 200-300 đồng/kg trong mấy ngày qua. Tại miền Bắc, Hòa Phát thông báo tăng giá thép cuộn CB240 lên mức 18.270 đồng/kg, thiết lập kỷ lục về giá; thép D10 CB300 không thay đổi, hiện có giá 17.810 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức cũng đã tăng giá bán thép cuộn CB240 lên 300 đồng, đạt mức 18.110 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 không thay đổi giá, hiện ở mức 17.610 đồng/kg.
Thương hiệu thép Kyoei đã điều chỉnh, tăng giá sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 18.110 đồng/kg. Thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 17.610 đồng/kg.
Dây chuyền luyện thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Tại miền Trung, thép xây dựng Hòa Phát điều chỉnh thay đổi tăng giá với thép cuộn CB240 tăng 300 đồng, chạm mức 18.060 đồng/kg. Còn giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 17.810 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức cũng đã tăng giá dòng thép cuộn CB240 lên mức 18.420 đồng/kg. Còn thép thanh vằn D10 CB300 không thay đổi giá, hiện ở mức 18.060 đồng/kg.
Tại miền Nam, thương hiệu Hòa Phát cũng thông báo tăng giá với thép cuộn CB240 lên mức 18.010 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 17.560 đồng/kg.
Thép Miền Nam cũng bất ngờ tăng mạnh giá bán với sản phẩm thép cuộn CB240 đang ở mức giá 17.960 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 là 17.810 đồng/kg.
Theo nhận định từ Tổng cục Thống kê, do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.
Đồng thời, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt.
Trong khi giá thép trong nước tăng thì giá thép trên thị trường Trung Quốc đã lần đầu tiên giảm xuống sau nhiều tháng liên tiếp tăng mạnh.
Cụ thể, giá thép thanh, dùng trong xây dựng, kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) kết thúc phiên 19/5 giảm 5,6% xuống 5.309 NDT/tấn, tương đương khoảng 825 USD/tấn; thép cuộn cán nóng, dùng trong chế tạo, cũng giảm 5,2% xuống 5.678 NDT/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/4.
Giá nguyên liệu sản xuất thép ngày 19/5 cũng giảm khá mạnh và theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng Chín trên sàn Đại Liên giảm 3,3% xuống 1.193 NDT/tấn lúc kết thúc phiên giao dịch; than luyện cốc giảm 1,7% xuống 1.927 NDT/tấn; trong khi than cốc giảm 2,8% xuống 2.572 NDT/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép và nguyên vật liệu trên thị trường đã có giảm nhẹ sau chuỗi ngày tăng giá, tuy nhiên, mức giá vẫn ở mức rất cao so với thời điểm của năm 2020. Vì vậy, giá thép trong nước vẫn chịu ảnh hưởng và niêm yết ở mức cao.
Trên thực tế, mức giá bán của thép trong nước mới chỉ tăng khoảng 50%, trong khi đó, giá nguyên liệu trên thế giới đã tăng từ 2-2,5 lần (tương ứng từ 200-250%).
Mặc dù giá thép tăng mạnh, nhưng lượng thép tiêu thụ vẫn tăng trưởng tốt. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, lượng tiêu thụ thép các loại đạt hơn 9,4 triệu tấn, tăng 40,3% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 67,8%.
Tuy nhiên, lượng tiêu thụ thép trong tháng 4 lại giảm nhẹ so với tháng trước đó. Lượng tiêu thụ thép các loại đạt 2.703.395 tấn, giảm 6,22% so với tháng 3/2021, nhưng tăng 56,7% so với cùng kỳ 2020; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 534.162 tấn, giảm 14,61% so với tháng trước, nhưng tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
VSA nhận định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng tháng 4/2021 tiếp tục duy trì ở mức sản lượng cao trong vòng 5 năm trở lại đây và nhu cầu thép trong nước tốt.
Bởi, các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn từ nguồn ngân sách nhà nước trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 và 4 tháng năm nay đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017-2021.
Lượng tiêu thụ thép trong tháng 4 đạt 1.179.170 tấn, giảm 5,48% so với tháng trước nhưng tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Hòa Phát, riêng thép xây dựng thành phẩm, trong tháng 4/2021, tập đoàn này đã bán 428.000 tấn, tăng hơn 59% so với tháng 4/2020; trong đó, có 73.000 tấn xuất khẩu, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước./.

Nguồn: VITIC/Reuters