"Giá thiếc và nhôm vẫn tăng mạnh hơn nhiều so với các kim loại khác, tiếp sau đó là nickel và chì", nhà phân tích cấp cao Xia Cong của Antaike cho biết..
Năm nay, giá kim loại cơ bản đã tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm do nhu cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong khi nguồn cung gặp vấn đề, giữa bối cảnh các chính phủ không ngừng nới lỏng tiền tệ và các nhà đầu cơ tăng cường tích trữ, làm đội chi phí của các nhà sản xuất Trung Quốc – nước sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Đà tăng giá đã giảm tốc trong những tháng gần đây, sau khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp để giảm giá nguyên liệu, và nhu cầu ở nước này hồi phục chậm lại.
Mặc dù vậy, giá thiếc trên Sàn giao dịch Kim loại London có thể sẽ vẫn đạt trung bình 28.500 USD/tấn trong giai đoạn tháng 8-12/2021, tăng so với mức trung bình 27.393 USD trong 7 tháng đầu năm nay, Antaike cho biết.
Giá thiếc trong thời gian qua đã được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế và nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực điện tử trong thời kỳ đại dịch, trong khi mức tiêu thụ nhôm vượt trội so với nguồn cung, vốn bị ảnh hưởng bởi việc cắt điện và lũ lụt ở nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
Giá nhôm dự báo sẽ tăng lên mức trung bình 2.550 USD/tấn trong thời gian còn lại của năm nay, từ mức 2.295 USD/tấn trong giai đoạn tháng 1-7/2021.
Nguồn cung nhôm có nguy cơ bị siết chặt do chính sách chống ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 60% sản lượng nhôm toàn cầu. Sản lượng nhôm của Trung Quốc tăng 7,3% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, song thị trường Trung Quốc vẫn đang thiếu kim loại này. Lũ lụt vừa qua ở tỉnh Hà Nam, nơi có nhiều nhà máy nhôm lớn, khiến cán cân cung – cầu càng thêm thiếu hụt. Tháng trước, Trung Quốc nhập thêm 294.081 tấn nhôm nguyên sinh và hợp kim, tăng 30% so với tháng 5, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ công bố loạt lệnh trừng phạt đối với Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử, an ninh mạng, tình hình chiến sự Ukraine,…. Nga là nhà sản xuất nhôm lớn và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga năm 2018 đã đẩy giá nhôm trên sàn London tăng lên mức cao trong vòng 7 năm.
Trong khi nguồn cung gặp khó thì nhu cầu nhôm vẫn đang tăng nhanh. Các nhà phân tích của ngân hàng Citi dự đoán nhu cầu nhôm toàn cầu sẽ tăng 6,4% trong năm nay lên gần 68 triệu tấn và tăng tiếp 4,6% vào năm 2022 lên gần 71 triệu tấn. Citi dự báo thị trường nhôm thế giới năm nay vẫn dư thừa 720.000 tấn nhôm, nhưng sẽ thiếu hụt 590.000 tấn năm 2022.
Liên Hợp Quốc đã nâng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 5,4% trong năm nay do sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và EU. Do nhôm được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải, xây dựng, điện tử,… nên khi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch, nhu cầu đối với vật liệu này tăng mạnh.
Giá nickel trong 5 tháng cuối năm dự kiến sẽ tăng nhẹ lên mức trung bình 18.000 USD/tấn do nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực thép không gỉ và mức tiêu thụ cao hơn dự kiến ở từ ngành sản xuất pin xe điện.
Bà Xia cho biết, tốc độ tăng trưởng nhu cầu nickel toàn cầu từ lĩnh vực pin dự kiến là 31% trong giai đoạn 2021-2025.
Giá chì trung bình trong giai đoạn tháng 8-12/2021 có thể sẽ tăng lên 2.190 USD/tấn, từ mức trung bình 2.121 USD/tấn từ đầu năm đến nay. Lượng chì lưu kho trên sàn LME hiện chỉ có 58.850 tấn, thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Theo bà Xia, nguồn cung chì bị thắt chặt sẽ hỗ trợ cho giá, nhưng tồn kho phôi chì ở Trung Quốc còn nhiều nên sẽ ngăn giá tăng mạnh, trừ khi nước này xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và Châu Âu.
Giá đồng và kẽm trung bình từ nay đến cuối năm dự báo có thể giảm xuống thấp hơn mức hiện tại khi nguồn cung dần được cải thiện. Giá đồng hiện đã giảm khá nhiều so với mức cao kỷ lục hồi tháng 5 (khi đó đạt 10.747,5 USD/tấn), nhưng hiện vẫn cao hơn 20% so với hồi đầu năm. Capital Economics dự báo giá đồng năm 2022 sẽ chỉ trung bình 7.500 USD/tấn, do kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại.