Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 301,38 điểm hôm 6/2/2020, tăng 0,5% tương đương 1,49 điểm so với chỉ số trước đó hôm 5/2/2020.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 321,82 điểm, giảm 0,38% tương đương 1,22 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 297,52 điểm, tăng 0,68% tương đương 2 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 7/2/2020 duy trì vững do thông tin các mỏ khai thác Australia đang chuẩn bị ứng phó với cơn bão, bù đắp lo ngại về virus corona bùng phát, song giá quặng sắt có tuần giảm mạnh nhất trong 6 tháng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên không thay đổi ở mức 584,4 CNY (83,75 USD)/tấn.
Tính đến nay, giá quặng sắt giảm hơn 11% kể từ ngày 3/2/2020 khi hoạt động giao dịch được nối lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tại Đại Liên tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2019.
Chiến lược gia hàng hóa thuộc ANZ cho biết: “Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona, các nhà chức trách Trung Quốc đã thiết lập các rào cản tác động đến chuỗi cung ứng, làm giảm niềm tin kinh doanh và làm chậm thương mại quốc tế”.
Có khoảng 90% cảng quặng sắt lớn của Trung Quốc tại các tỉnh bị hạn chế di chuyển hoặc vẫn kéo dài ngày nghỉ.
Các mỏ khai thác quặng sắt Australia như Rio Tinto và BHP Group là một trong số các nhà cung cấp lớn nhất Trung Quốc cho biết đã chuẩn bị ứng phó với cơn bão nhiệt đới, ảnh hưởng đến khu vực giàu quặng sắt – Pilbara – của nước này vào cuối tuần.
Giá quặng sắt giao ngay vẫn biến động, với giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc ở mức 83,3 USD/tấn, giảm so với 83,8 USD/tấn trong ngày 5/2/2020, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc đề nghị các công ty thép duy trì ổn định trong bối cảnh giá thép biến động bởi nhu cầu suy giảm do virus corona.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 0,8% song có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% song cũng có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác tăng được thúc đẩy bởi lo ngại về nguồn cung thắt chặt, do các mỏ khai thác than đá của Trung Quốc không thể tiếp tục hoạt động bởi dịch bệnh, với giá than luyện cốc tăng 1,2% trong khi giá than cốc tăng 0,6%.
Các thông tin khác:
Thép ống: Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), nhập khẩu thép ống của nước này trong tháng 12/2019 đạt 66.800 tấn, giảm 12,3% so với tháng 11/2019, và giảm 63,6% so với tháng 12/2018.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 70,2 triệu USD, giảm so với 88,9 triệu USD tháng 11/2019 và giảm so với 216,7 triệu USD tháng 12/2018.
Trong số đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thép ống lớn nhất của Mỹ đạt 28.000 tấn, tăng so với 15.500 tấn tháng 11/2019 và tăng đáng kể so với 3.200 tấn tháng 12/2018, tiếp theo là Canada đạt 10.000 tấn, các nước khác đạt 17.000 tấn.
Thép: Nhập khẩu thép của Indonesia năm 2019 đạt 6,3 triệu tấn, tăng 6,3% so với năm 2018.
Trong năm 2016 và 2017, nhập khẩu thép của Indonesia đạt 5,7 triệu tấn và 5,9 triệu tấn theo thứ tự lần lượt. Trong số đó, thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

Nguồn: VITIC/Reuters