Sáng nay (16/10), Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức tại Khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho biết hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, chủ yếu làm giao nhận, vận tải, lưu kho bãi, cảng biển, xếp dỡ… Thị phần các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp FDI khoảng 25%/75%, trong khi về số lượng, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm từ 4-5% trên tổng số. 

Vốn điều lệ trung bình khoảng 4-6 tỷ đồng, cao hơn 3-4 lần so với năm 2007. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ (tiêu chí <20 tỷ đồng) chiếm 72%, còn lại là doanh nghiệp lớn (>20 tỷ đồng). Số doanh nghiệp có làm dịch vụ logistics tích hợp/3PL phát triển những năm gần đây và chiếm khoảng 15-20%.

Số lượng lao động bình quân tại doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ khoảng 30-40 lao động và các doanh nghiệp lớn hơn từ 100 trở lên. Trong đó chỉ khoảng 5-7% là có đào tạo, còn lại từ nhiều nguồn và 85% doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực. Khoảng 40% doanh nghiệp logistics cho rằng nhân lực tạm đáp ứng so với tình hình hiện nay trong khi 23% cho là thiếu và không đáp ứng.

Gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản (non-asset base). Bình quân việc đầu tư  trang thiết bị, phương tiện khoảng 16% và 4% về kho bãi, cảng biển… còn lại các doanh nghiệp phải thuê ngoài.

Ông Quang dẫn các tài liệu nghiên cứu cho biết, thị trường logistics Việt Nam có tốc độ phát triển bình quân từ 20-24%, tuy vậy dung lượng thị trường thuê ngoài logistics chỉ ở mức 3-4% so với GDP.

Ông Quang đánh giá, ngành logistics Việt Nam đã trải qua thời kỳ non trẻ, bước đầu phát triển cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng , năng lực ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại. Tuy nhiên, năng lực nghề nghiệp không đồng đều, thiếu chuyên nghiệp, dịch vụ đơn giản, rời rạc; hoạt độngcòn phân tán, thiết kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng nâng cao thuê ngoài logistics.

Nhìn nhận trước những con số mà ông Quang đưa ra, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện chỉ chiếm 25% thị phần logistics tại thị trường Việt Nam phải chăng là do thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay quy luật khách quan của thị trường và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn? Theo cá nhân ông Trần Du Lịch, với năng lực hiện tại của các doanh nghiệp logistics mà chiếm 25% thị phần thì đáng được đánh giá cao.

Ông Trần Du Lịch đề nghị một số chính sách phát triển logistics, trước hết từ phía Nhà nước cần xác định logistics là một ngành dịch vụ cần ưu tiên trong quy hoạch phát triển dài hạn; gắn với chiến lược kinh tế biển; gắn với đặc điểm của nền kinh tế có độ mở lớn, hướng tới mục tiêu thị phần trong thị trường khu vực AEC, Đông- Bắc Á, hướng tới khu vực TPP.

Theo ông Trần Du Lịch, Nhà nước cần tập trung vào 2 việc: (1) gắn quy hoạch phát triển logistics với quy hoạch cảng biển, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, quy hoạch phát triển cảng hàng không và hệ thống giao thông kết nối; (2) xây dựng chương trình quốc gia phát triển logistics với mục tiêu cụ thể phân kỳ phát triển và xây dựng đồng bộ chính sách cho từng mục tiêu cụ thể.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần thực hiện mô hình công-tư đối tác (PPP) nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân hạ tầng cho phát triển dịch vụ logistics như phát triển vận tải biển nội địa, ưu tiên quỹ đất phát triển kho bãi, cảng cạn; thay mô hình quốc doanh bằng mô hình PPP…

Đối với VLA và các doanh nghiệp Logistics, ông Lịch đề nghị cần liên kết phát triển tổng thể dựa trên thế mạnh từng doanh nghiệp; tạo niềm tin để thực hiện hình thức outsoursing trong cung ứng dịch vụ logistics; cần hình thành loại hình doanh nghiệp “logistics tự cung cấp” mang thương hiệu quốc gia trong quan hệ toàn cầu.

 

Khổng Chiêm