Tính đến 22h ngày 14/4, thế giới đã ghi nhận 1.947.855 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 121.793 ca tử vong. Dịch bệnh hiện đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số ca phục hồi hiện nay là 460.238 ca.
|
Nguồn: Bnews |
Mỹ: Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với 23.219 ca tử vong trong tổng số 585.469 ca mắc bệnh. Tại tâm dịch bang New York, tổng số ca mắc Covid-19 là 195.749 ca, trong đó 10.058 ca tử vong. Riêng thành phố New York đã ghi nhận tới 7.349 ca tử vong.
Trong 24h qua, số ca tử vong tại bang New York giảm tới 87 ca so với mức tăng ngày trước đó, mức giảm nhiều nhất trong một tuần qua. Số ca nhập viện tính trung bình trong 3 ngày qua cũng giảm mạnh, trong 24h qua ghi nhận 1.958 người, mức thấp nhất tính trong thời gian 2 tuần.
Italy: Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, tính đến ngày 13/4, ghi nhận thêm 3.153 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 lên 159.516 trường hợp. Như vậy, số ca bệnh mới được ghi nhận ở Italy nằm ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/4.
Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong do SARS-CoV-2 ở Italy trong 24 giờ qua đã tăng thêm 566 người, lên tổng cộng 20.465 trường hợp. Tuy nhiên, số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 trường hợp (giảm 83 ca). Ngoài ra, Italy hiện ghi nhận 28.023 ca nhập viện và 72.333 ca cách ly tại nơi ở.
Pháp: Bộ Y tế Pháp cho hay, tính đến tối 13/4, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 14.967 người, bao gồm 9.588 ca tử vong tại các bệnh viện - tăng 335 trường hợp trong 24 giờ qua và 5.379 ca tử vong trong các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội - tăng 239 trường hợp.
Số bệnh nhân nhập viện ở Pháp hiện là 32.113 người, tăng 288 trường hợp. Trong 24 giờ qua, nước Pháp đã ghi nhận thêm 227 người được đưa vào diện chăm sóc đặc biệt, nâng tổng số bệnh nhân thuộc diện này lên 6.821 người. Tuy nhiên, so với hôm 12/4, số bệnh nhân được hồi sức tích cực giảm 24 người,và là ngày giảm thứ tư liên tiếp.
Đến nay, Pháp ghi nhận 27.718 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện - tăng 1.327 người trong 24 giờ qua, chưa kể hàng chục nghìn người bệnh tự cách ly và điều trị tại nhà.
Kể từ 11/5, Pháp sẽ có thể điều trị cho tất cả những người có triệu chứng nhiễm virus. Ngoài ra, mỗi người dân sẽ mua được khẩu trang bảo vệ, có thể sẽ bắt buộc phải dùng trong một số trường hợp nhất định như khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Singapore: Ngày 13/4, Bộ Y tế Singapore xác nhận thêm 386 ca nhiễm SARS-CoV-2, mức tăng cao nhất hàng ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.918 người. Đã có 586 bệnh nhân Covid-19 ở Singapore được điều trị khỏi.
Israel: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tối 13/4 tuyên bố sẽ tiếp tục ápđặt lệnh phong tỏa đất nước tới ngày cuối cùng của Lễ Vượt qua nhằm ngăn chặn người dân tụ tập trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu vào lúc 17h ngày 14/4 và kéo dài đến 5h ngày 16/4 (theo giờ địa phương). Trong thời gian này, người dân sẽ không được phép rời khỏi thành phố và khu vực đang sinh sống, tuy nhiên các cửa hàng sẽ được phép mở cửa. Chỉ có các thành phố và thị trấn nơi phần lớn dân số không phải là người Do Thái sinh sống được miễn thi hành lệnh phong tỏa. Đến nay, Israel đã ghi nhận 11.586 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 116 ca tử vong.
Argentina: Chính quyền thủ đô Buenos Aires ngày 13/4 đã ra thông báo về quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là trong khi sử dụng các phương tiện công cộng, tiếp công dân, bán thực phẩm và thuốc men, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Biện pháp trên sẽ có hiệu lực kể từ 0h ngày 15/4 (theo giờ địa phương). Những người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000 Pesos (154 USD) cho tới 80.000 Pesos (1.236 USD). Các cửa hàng bán thực phẩm nếu không tuân thủ cũng sẽ bị đóng cửa.
Theo thông báo cập nhật mới nhất, Argentina hiện ghi nhận 2.208 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng 66 trường hợp so với thống kê trước đó và 95 người tử vong.
Indonesia: Bộ Y tê snuwowcs này cho biết, đã ghi nhận thêm 60 ca tử vong do dịchCovid-19, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca tử vong ở nước này hiện là 459 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 4.839 ca.
Malaysia: Cùng ngày, các quan chức y tế Malaysia ghi nhận thêm 5 ca tử vong và 107 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca tại nước này là 4.987 ca, trong đó có 82 ca tử vong.
Philippines: Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 20 ca tử vong và 291 ca nhiễm mới. Bộ trên cho biết hiện số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 5.223 người, trong khi số ca không qua khỏi là 335 người.
Singapore: Tại Singapore giới chức y tế đã xác nhận thêm 334 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 3.252 ca. Tổng số ca tử vong tại Singapore hiện nay là 10 ca.
Nhật Bản: Tại Nhật Bản, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 53 ca mới, nâng tổng số ca lên thành 7.744 ca. Đây là con số mới nhất sau một tuần Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác. Tổng số ca tử vong tại Nhật Bản hiện ở mức 158 người, bao gồm cả những bệnh nhân từ du thuyền Diamond Princess, bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama gần thủ đô Tokyo.
Diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đến 18 giờ ngày 14/4 có thêm một bệnh nhân mới dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 266 trường hợp.
Bệnh nhân 266 là nữ, 36 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội. Ngày 08-10/3, bệnh nhân đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 12/3, bệnh nhân có biểu hiện ngứa họng.
Từ ngày 30/3 bệnh nhân cách ly tại nhà. Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 14/4. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Trong số 266 người mắc Covid-19 tại Việt Nam có 160 người nước ngoài (chiếm 60,2%); 106 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 39,8%).
Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến 17 giờ ngày 14/4, có thêm 1 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh được công bố khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân 146 (nữ, 17 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Ngày vào viện: 23/3/2020.
Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 7/4; lần 2 vào ngày 9/4 và lần 3 vào ngày 12/4/2020. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã có 169 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
Đồng thời, hiện có 68.968 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó, 601 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 13.455 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 54.912 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch Covid-19
Chiều ngày 13 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo.
Hai Bên đã thảo luận và chia sẻ nhu cầu thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hàn Quốc cho biết trong dịch Covid-19 vừa qua đã thấy rõ vai trò quan trọng của việc đảm bảo, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào 01 đối tác. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ nhận định này, khẳng định hai Bên trước mắt có thể hợp tác chặt chẽ để Việt Nam trở thành mắt xích chủ yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, dệt may…v.v, nhằm đảm bảo sản xuất ổn định và bền vững, vì lợi ích của cả hai Bên. Một trong những phương hướng cụ thể hai Bên có thể triển khai ngay là phát triển chuỗi cung ứng về linh kiện phụ tùng ô tô, tận dụng nền tảng hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong lĩnh vực ô tô thời gian qua. Bên cạnh đó, hai Bên sẽ nhanh chóng ban hành quy định cho phép doanh nghiệp khai thác ngay việc cộng gộp xuất xứ nguyên liệu dệt may theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU để tận dụng nguồn nguyên liệu dệt may chất lượng cao từ Hàn Quốc, phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam đi châu Âu.
Trong số các nội dung trao đổi, an ninh lương thực và cung ứng các sản phẩm trái cây, nông sản, thủy sản cũng là một nội dung quan trọng mà hai Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian thảo luận. Hai Bên phân tích và đánh giá cao khả năng tăng cường hợp tác về an ninh lương thực, cung ứng lúa gạo, rau quả, trái cây, nông thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh, khẳng định có nhiều cơ hội hợp tác mở ra cho doanh nghiệp hai Bên tăng cường hợp tác cung ứng, đầu tư nuôi trồng nông thủy sản và chế biến rau quả, trái cây tươi. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị và Bộ trưởng Sung Yun-mô nhất trí thúc đẩy Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đẩy nhanh quá trình đánh giá rủi ro cấp phép nhập khẩu cho quả thanh long ruột đỏ, quả bưởi của Việt Nam; hỗ trợ phía Việt Nam triển khai các hoạt động giúp kết nối và đưa hàng Việt Nam phân phối trực tiếp qua các kênh phân phối lớn của Hàn Quốc như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping.
Hai Bộ trưởng chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì luồng di chuyển nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động của các dự án FDI nói chung cũng như các dự án FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu phòng chống dịch bệnh của hai nước. Bộ trưởng Sung Yun-mo cảm ơn Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam đã hỗ trợ công dân và doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam, đặc biệt là đã hỗ trợ giải quyết nhập cảnh và cách ly tập trung riêng cho các cán bộ quản lý, chuyên gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam trong thời gian qua, góp phần tạo lòng tin trong các nhà đầu tư Hàn Quốc đồng thời hỗ trợ một phần các khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp này. Trong thời gian tới, hai Bộ trưởng chia sẻ cần có sự hợp tác giữa hai Chính phủ, các cơ quan y tế giữa hai Bên về kiểm soát dịch bệnh cũng như công nhận lẫn nhau về kết quả xét nghiệm. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp tạo thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, lao động giữa hai nước, vừa đáp ứng yêu cầu phòng dịch vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.