Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 1/5 trên thế giới có tổng cộng
3.330.803 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và
234.769 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là
1.053.250 người.
- Nguồn: Tuoitre.vn
- Mỹ: Theo số liệu cho thấy Mỹ tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 1.097.080 ca mắc bệnh và 63.913 ca tử vong. Số liệu do Đại học Johns Hopkins cập nhật cho thấy, tính đến sáng 1/5, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ trong 24 giờ qua là 2.053 người. Như vậy, sau hai ngày giảm liên tục, Mỹ lại trải qua 3 ngày liên tiếp có số ca tử vong tăng trở lại, đều ở ngưỡng trên 2.000 người/ngày. Trước tình hình này, theo bước Jet Blue, ba hãng hàng không lớn của Mỹ gồm Delta Air Lines Inc, American Airlines Group Inc và Frontier Airlines thông báo áp dụng quy định yêu cầu các hành khách đeo khẩu trang trên các chuyến bay để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Italy: Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 30/4 đã ghi nhận thêm 1.872 ca nhiễm COVID -19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 205.463 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng thêm 285 trường hợp lên 27.967 người, tổng số ca hồi phục là 75.945 người - tăng 4.693 trường hợp.
Cũng theo cơ quan trên, Italy hiện có 18.149 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó tổng số bệnh nhân phải điều trị đặc biệt là 1.694 người, giảm 101 trường hợp.
Tây Ban Nha: Sau Mỹ là Tây Ban Nha với 239.639 ca mắc COVID-19 và 24.543 ca tử vong. Ngày 1/5, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino (Na-đi-a Can-vi-nô) cảnh báo GDP của nước này trong năm nay sẽ giảm 9,2%. Chính phủ Tây Ban Nha cũng điều chỉnh tăng mức dự báo thâm hụt ngân sách trong năm nay lên 10,34% - mức thâm hụt mạnh nhất kể từ năm 2012 (10,7%). Tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay được dự báo tăng lên 19%, nhưng sau đó sẽ giảm xuống còn 17,2% trong năm 2021.
Tây Ban Nha vẫn là tâm dịch lớn nhất tại châu Âu, tiếp đó là Italy - với 205.463 ca mắc COVID-19 và 27.967 ca tử vong. Anh hiện có 171.253 ca mắc COVID-19, trong đó có 26.771 ca tử vong, tiếp đó là Pháp với 167.178 ca mắc và 24.376 ca tử vong, Đức là 163.162 ca mắc và 6.632 ca tử vong.
Anh: Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 30/4, đã xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc họp báo thường nhật của Chính phủ Anh sau thời gian chiến đấu với bệnh COVID -19. Ông cho rằng, nước Anh đã “đi qua đỉnh”, bất chấp việc ghi nhận thêm 674 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số nạn nhân thiệt mạng ở "xứ sở sương mù" do virus SARS-CoV-2 lên 26.711 người.
Nga: Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 cho biết tính đến trưa 1/5, nước này đã ghi nhận thêm 7.933 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang trong vòng một ngày, mức cao nhất trong ngày từ trước tới nay, đẩy tổng số ca mắc COVID-19 lên 114.431 người.
Nhật Bản: Cùng ngày, Nhật Bản thông báo sẽ cung cấp miễn phí thuốc kháng virus Avigan cho 43 nước để tiến hành nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của thuốc trong điều trị bệnh COVID-19. Thuốc Avigan dự kiến sẽ được gửi đến các nước trên sau khi đợt nghỉ Tuần lễ Vàng tại Nhật Bản kết thúc vào ngày 6/5. Khoảng 80 nước đã bày tỏ sự quan tâm tới thuốc Avigan. Mỗi quốc gia sẽ nhận lượng thuốc Avigan đủ để điều trị cho khoảng 20-100 người vì mục đích nghiên cứu.
Singapore: Bộ Y tế Singapore ngày 1/5 thông báo đã phát hiện thêm 932 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 17.101 ca, trong đó khoảng 90% số ca nhiễm là lao động nước ngoài. Số ca tử vong đang là 15 người. Giới chức Singapore đánh giá tình hình bùng phát dịch bệnh tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài tiếp tục là một thách thức. Tới nay đã có 38/43 khu nhà ở tập thể của lao động nước ngoài bị coi là ổ dịch. Trước tình hình này, Singapore đã quyết định kéo dài thời gian cách ly toàn diện đối với tất cả lao động nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại 43 khu nhà ở thêm 2 tuần, tới ngày 18/5.
Indonesia: Chính phủ nước này ghi nhận thêm 433 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.551. Nước này có thêm 8 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 800 (cao nhất ở khu vực Đông Nam Á). Trong khi đó, có 1.591 người đã hồi phục ở nước này.
- Nguồn: Tuoitre.vn
- Thái Lan: Ghi nhận đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới theo ngày ở mức 1 chữ số. Tính đến ngày 1/5, tại nước này có tổng cộng 2.960 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Đại học Prince of Songkla (PSU) của Thái Lan đang phát triển các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 có thể cho kết quả trong 15 phút dựa trên kỹ thuật sắc ký miễn dịch. Bộ xét nghiệm này sử dụng nguyên lý sắc ký miễn dịch để phát hiện các kháng thể IgM và IgG mà hệ miễn dịch của người bị nhiễm COVID-19 sản sinh ra.
Trong khi đó, Lào và Malaysia bắt đầu nới lỏng một số hạn chế. Chính phủ Lào đã công bố một số biện pháp nới lỏng các quy định hạn chế từ ngày 4/5 để đưa xã hội dần trở lại nhịp hoạt động bình thường trên tinh thần vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ giãn cách tối thiểu 1m. Còn tại Malaysia, nhiều doanh nghiệp được phép khôi phục hoạt động từ ngày 4/5.
Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới
Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 lúc 18h hôm nay cho hay trong ngày 1/5 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm cả nước hiện vẫn là 270 ca, 219 ca đã khỏi và xuất viện. Trong số các ca còn đang điều trị, 7 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2.
- Nguồn: Baoquocte.vn
- Trong diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch.
Cụ thể, Thủ tướng đồng ý tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người nhiễm COVID-19. Các địa phương cần có cơ số dự phòng thuốc phục vụ điều trị phục vụ phòng, chống dịch; trường hợp khó khăn, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ động quyết định một số đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân) để thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Bộ Công Thương đồng hành cùng Hiệp hội giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh COVID -19
Chiều ngày 29/4, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với một số Hiệp hội, ngành hàng chủ chốt trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và công nghiệp để bàn về việc tiếp tục khắc phục khó khăn và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh COVID -19.
|
Nguồn: Tapchicongthuong.vn |
Tại buổi làm việc, Hiệp hội Giấy và Bột giấy chia sẻ, để khắc phục những khó khăn chung mà các doanh nghiệp các ngành khác cũng gặp phải do dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn nỗ lực không ngừng để trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp ngành giấy đã rất linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được ổn định doanh nghiệp đã tranh thủ dịch để dừng sản xuất, bảo trì máy, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho …
Thay mặt doanh nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh các hoạt động ngân hàng, linh hoạt hơn trong các thủ tục, chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với doanh nghiệp, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ. Miễn đóng phí công đoàn thay vì hoãn đóng năm 2020, hoặc giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1% và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không cần có điều kiện kèm theo…
Theo Hiệp hội Dệt may, với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau từ các nước trên thế giới, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỷ USD.
Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đề nghị có các giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may, gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay các doanh nghiệp. Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn đang phải "gồng mình" để cố gắng bằng mọi phương án (trong đó có phương án chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang) để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Tuy nhiên, với những nỗ lực như vậy, doanh nghiệp vẫn không đủ điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ của nhà nước.
Hiện tại, Hiệp hội Dệt may cũng đang phối hợp với các cơ quan hữu quan, hướng dẫn, đào tạo doanh nghiệp chuẩn bị những bước đi thật tốt để đón nhận cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh khẳng định, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các Hiệp hội, đặc biệt các ý kiến trong bối cảnh mới, trạng thái mới để báo cáo Lãnh đạo Bộ, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn hậu Covid-19. “Bộ Công Thương sẵn sàng làm việc cùng với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể để trao đổi về cách thực phối hợp. Bộ sẽ trao đổi thêm với các Thương vụ, các thị trường nước ngoài để hỗ trợ thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra” - Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.