Cập nhật lúc 9h30 ngày 25/3:
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 200.000 ca vào tuần trước. Trong ba ngày qua, hơn 100.000 ca nhiễm mới đã được xác nhận.
• Toàn cầu có 417.582 ca nhiễm, 18.612 ca tử vong
• 6.820 ca tử vong ở Italy, cao gấp đôi của Trung Quốc
• Ca nhiễm ở Mỹ lên tới 50.206
• Ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tăng trở lại
Italy: Tính đến hết ngày 24/3, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và thứ nhất châu Âu, ghi nhận 743 ca tử vong mới trong 24 giờ, chấm dứt chuỗi hai ngày liên tiếp chỉ số này giảm. Tổng cộng Italy báo cáo 69.176 ca nhiễm và 6.820 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong là 9,8%, cao hơn gấp đôi trung bình toàn cầu 4,5%.
Anh: Nước này ghi nhận 8.077 ca mắc COVID-19, tăng hơn 1.400 ca so với mức 6.650 ca trong ngày 24/3. Theo mô hình tính toán của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể đã xâm nhập nhiều người tại Anh hơn so với các ước tính trước đó, thậm chí có thể hơn một nửa dân số Anh đã nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Đức: Bộ Y tế nước này thông báo thêm 3.935 ca nhiễm và 36 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 32.931 và 159. Dù là vùng dịch lớn thứ năm thế giới và lớn thứ ba châu Âu, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ khoảng 0,48%.
Mỹ: Ngày 24/3, số ca nhiễm COVID-19 của nước này đã tăng gấp 10 lần trong một tuần, hơn 50.206 người đã được xác nhận nhiễm Covid-19. Ít nhất 600 người cũng tử vong tại Mỹ do nhiễm virus. Bang New York đã công bố 25.665 ca nhiễm tính đến ngày 24/3, chiếm gần một nửa số ca nhiễm ở Mỹ.Tuy nhiên, số ca nhiễm tại Mỹ trên thực tế có khả năng cao hơn rất nhiều, các quan chức thừa nhận. Việc xét nghiệm ở Mỹ được thực hiện chậm trễ và nhiều tiêu chí chẩn đoán hạn chế được đưa ra để giới hạn số lượng những người có thể được xét nghiệm.
Mexico: Chính phủ nước này cho biết đã có tổng cộng 405 ca COVID-19 trong ngày 24-3 so với tổng số 367 ca của ngày trước đó. Tổng số ca tử vong hiện là 5 người.
Tây Ban Nha: Là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 42.058 ca nhiễm và 2.991 ca tử vong, tăng lần lượt 6.922 và 680 ca so với một ngày trước đó. Thủ đô Madrid là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, chiếm gần 1/3 số bệnh nhân toàn quốc. Do các dịch vụ tang lễ trong thành phố đều quá tải, giới chức Madrid đã trưng dụng sân trượt băng Palacio de Hielo để làm nhà xác tạm thời.
Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 24/3 nước này đã ghi nhận thêm 7 ca tử vong và 343 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 44 ca và 1.872 ca nhiễm trên toàn quốc. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã tiến hành 3.952 xét nghiệm trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca xét nghiệm toàn quốc lên khoảng 28.000 ca.
Iran: Vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 24.811ca nhiễm và 1.934 ca tử vong. Đây cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao, một phần nguyên nhân do hệ thống y tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Iran hôm qua từ chối nhận giúp đỡ từ "thế lực bên ngoài" sau lời đề nghị từ một tổ chức từ thiện y tế có trụ sở tại Pháp.
Trung Quốc: Trong những ngày qua, Trung Quốc đại lục liên tục không ghi nhận thêm ca trong nước nào mắc COVID-19, chỉ có ca mới đến từ bên ngoài. Thành phố Vũ Hán cũng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào kể từ ngày 18/3. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.171 người và 3.277 ca tử vong.
Hàn Quốc: ngày 25/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 100 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 9.137. Số ca tử vong tăng 6 trường hợp, lên tới 126. Một ngày trước đó, nước này ghi nhận 76 ca nhiễm mới.
Lào: Chiều 24/3, Lào cũng đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên. Tại cuộc họp báo ở trụ sở Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế nước này đã thông báo 2 ca đầu tiên mắc bệnh COVID-19. Như vậy, Lào là quốc gia cuối cùng tại Đông Nam Á xác nhận có người mắc COVID-19.
Philippines: Ngày 24/3 nước này đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 35, nhiều thứ hai khu vực sau Indonesia. Trong vòng 24h qua, Philippines cũng ghi nhận thêm 90 ca mắc COVID-19 mới và hiện nước này đã có 552 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Malaysia: Tới thời điểm này vẫn là quốc gia Đông Nam Á có số người mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 1.624 ca, tăng 106 ca so với ngày 23/3. Malaysia cũng ghi nhận 15 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Singapore: Bộ Y tế nước này cho biết nước này sẽ đóng cửa tất cả quán bar, rạp chiếu phim và các tụ điểm giải trí khác từ 26-3 đến 30/4 trong bối cảnh đảo quốc này bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống COVID-19 với các ca bệnh nhập khẩu từ nước ngoài. Singapore đưa ra các biện pháp này sau khi ghi nhận thêm 49 ca COVID-19 trong ngày 24/3, bao gồm 32 ca nhập khẩu từ nước ngoài, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 558 ca.
Indonesia: là nước báo cáo số ca tử vong cao nhất khu vực với 55 người chết trong 686 người nhiễm. Tỷ lệ tử vong là 8%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ số ca dương tính được phát hiện quá ít, tỷ lệ tử vong sẽ giảm dần khi càng có nhiều người được xét nghiệm và điều trị.
Việt Nam: Tối 24/3, Bộ Y tế đã công bố các ca mắc mới COVID-19 ở Việt Nam, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam lên 132 trường hợp. Như vậy, so với ngày 23/3, số ca mắc tăng 11 người. Thông tin chi tiết
-
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
- Trong các bệnh nhân mới công bố có 4 trường hợp ở TP.HCM đều liên quan đến quan bar Buddha (quận 2) gồm BN124, 125, 126, 127. Tổng số người mắc liên quan đến địa điểm giải trí này là 8 trường hợp. Người đầu tiên được ghi nhận có liên quan tới bar Buddha BN91 (phi công người Anh 43 tuổi, trú tại quận 2, TP.HCM).
Một bệnh nhân (BN133) ở Lai Châu từng đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong tháng 3 đã xác định dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, cơ sở y tế này ghi nhân 2 nữ điều dưỡng mắc Covid-19 nhưng chưa rõ nguồn lây.
Các bệnh nhân 128, 129 là du học sinh. 4 người còn lại xác định dương tính sau khi đi du lịch nước ngoài (BN130, 131, 132, 134).
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương quyết liệt triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh mới
Bộ Công Thương họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia và có diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo cùng Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự cuộc họp để rà soát toàn bộ quá trình triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua tại Bộ Công Thương, xây dựng các kế hoạch, kịch bản ứng phó trong giai đoạn mới, với những diễn biến mới.
Quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp
-
Nguồn: Tapchicongthuong.vn
- Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch bệnh, Bộ Công Thương vẫn rất chủ động, năng động, trách nhiệm, có sự phối hợp đồng bộ với các Bộ, ngành quyết liệt thực hiện theo yêu cầu của Chỉ thị 11 và các chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Chỉ thị của Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, kế hoạch hành động và được các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt giai đoạn trước, đối với giai đoạn 2, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần thực hiện quyết liệt hơn.
Theo đó, cần tính toán đánh giá và có phản ánh tình hình kịp thời, đưa ra quyết sách, đối sách và các dự báo, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các phương án thực hiện.
Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch đôn đốc rà soát lại việc thực hiện Chỉ thị 11 và các Chỉ thị của Bộ Công Thương để bổ sung những yêu cầu phát sinh, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, cập nhật những diễn biến của dịch bệnh và các kịch bản dự phòng.
Liên quan đến kế hoạch cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong điều kiện dịch bệnh có diễn biến mới, Bộ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước đôn đốc kiểm tra tại các địa phương, đảm bảo sự chủ động của Bộ Công Thương cung ứng đầy đủ hàng hóa, tại bất kỳ địa phương nào, ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ diễn biến nào.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Vụ thị trường nước ngoài nghiên cứu, đánh giá thị trường trong năm 2020 để có thông tin cập nhật bổ sung kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng giao các Thứ trưởng tổ chức làm việc với HHNH đánh giá tác động khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩn: dệt may, da giày, gỗ, điện tử, ô tô… để xác định khó khăn thị trường, tài chính tín dụng v.v… để có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại điện tử; Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường nước ngoài đánh giá cơ chế và biện pháp khắc phục để phát triển thị trường và chuỗi cung ứng (điện tử, đồ gỗ, chế biến nông sản, thủy sản, chế biến, chế tạo…); Cục Phòng vệ thương mại nghiên cứu tồn kho hàng hoá của các nước để có biện pháp phòng vệ và phổ biến doanh nghiệp trong nước./.