Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu, chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo năng suất, chất lượng, sản lượng đáp ứng nhu cầu lương thực của tỉnh và phục vụ xuất khẩu; tập trung đề xuất các giải pháp về cơ cấu giống lúa, ứng dụng khoa học công nghệ, các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh sản phẩm gạo của tỉnh; đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc thiết bị...) phục vụ sản xuất lúa gạo. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường thực hiện các hoạt động để hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo tại địa phương.
Sở Công thương theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan,đơn vị, địa phương hỗ trợ kết nối cho các thương nhân trong và ngoài tỉnh tiêu thụ thóc, gạo tại địa phương; nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các "thương lái" vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Kịp thời báo cáo các tình huống phát sinh với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất giải pháp phù hợp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực.
Đồng thời, yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện cần tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; giữ ổn định đất trồng lúa đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu phân bổ nhằm đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh và một phần phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch từng vụ và hàng năm. Tổ chức cập nhật, phổ biến thông tin thị trường thường xuyên, định kỳ để người nông dân, doanh nghiệp nhận định đúng tình hình, diễn biến thị trường và đưa ra các quyết định vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an ninh lương thực. Lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức triển khai có hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo trên địa bàn; thực hiện kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa gạo trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thu mua thóc, gạo trên địa bàn để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp và cung cấp cho sở, ngành liên quan phục vụ công tác báo cáo, điều hành sản xuất lúa, gạo trên địa bàn tỉnh.

Hải Dương hiện có khoảng 112.000 ha trồng lúa, trong đó có khoảng 73% là lúa chất lượng cao. Sản lượng trung bình hằng năm đạt khoảng 700.000 tấn, chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong tỉnh (khoảng 500.000 tấn), phần còn lại cung cấp cho dự trữ quốc gia, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu.

Nguồn: tinhuyhaiduong.vn