Khảo sát của Viện quản lý nguồn cung (ISM) đã công bố hôm 1/5 cũng cho thấy tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề, cùng với đề xuất thuế nhập khẩu đã gây ra tình trạng bế tắc trong chuỗi cung ứng.
Chi phí nguyên liệu thô ngày càng tăng là dấu hiệu mới nhất cho thấy áp lực lạm phát đang tăng và có thể thu hút sự chú ý của các quan chức Fed, người bắt đầu cuộc họp chính sách hai ngày vào hôm 1/5. Số liệu ngày 30/4 chỉ ra mức lạm phát hàng năm tăng trong tháng 3. Ngoài ra lương quý 1 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 11 năm.
Ryan Sweet, một chuyên gia kinh tế tại Moody cho biết “điều này hỗ trợ quan điểm của chúng tôi rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm nay”. “Fed đang đánh giá thấp mức tăng áp lực lạm phát”.
Ngân hàng trung ương Mỹ được dự kiến nâng lãi suất khi họ kết luận cuộc họp trong ngày 3/5. Fed đã nâng lãi suất trong tháng 3 và dự báo tăng lãi suất ít nhất hai lần nữa trong năm nay.
ISM cho biết chỉ số hoạt động sản xuất quốc gia giảm xuống 57,3 trong tháng 4 từ 59,3 trong tháng 3. Chỉ số ISM này trên 50 cho thấy tăng trưởng trong sản xuất (lĩnh vực chiếm 12% kinh tế của Mỹ).
Chỉ số giá thanh toán của khảo sát này tăng 1,2 điểm lên 79,3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011. Tháng trước, sự tăng giá xảy ra ở 17 trong số 18 lĩnh vực công nghiệp. Các nhà sản xuất máy móc cho biết thuế quan đã làm tăng giá thép và các nguyên liệu khác. Họ đã báo cáo rằng “nhiều nhà cung cấp đang yêu cầu tăng và nhóm đang chiến đấu với những yêu cầu đó”.
Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 25% với thép nhập khẩu và thuế 10% với nhôm trong tháng 3. Tuy nhiên, trong ngày 1/5 ông đã hoãn áp đặt thuế với Canada, Mexico và EU cho tới 1/6 và đã đạt được các thỏa thuận miễn trừ vĩnh viễn cho Argentina, Australia và Brazil.
Các nhà sản xuất sản phẩm hỗn hợp đã mô tả thuế là rất lo ngại và cho biết kế hoạch kinh doanh đang bế tắc cho đến khi thuế được giải quyết. Các nhà sản xuất sản phẩm kim loại đúc sẵn cho biết thuế thép đã làm khó khăn cho nguồn nguyên liệu và họ đã phải loại bỏ hai sản phẩm do tính khả dụng và chi phí của nguyên liệu thô.
Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng West ở San Francisco cho biết “thuế quan có thể bổ sung nguy cơ giảm sản xuất và tăng chi phí đầu vào trong những tháng tới”.
Thước đo việc làm của nhà máy trong khảo sát của ISM giảm trong tháng 4. Các nhà máy thiết bị giao thông cho biết trong khi kinh doanh là mạnh, những hạn chế về năng lực là một vấn đề. Tâm lý này cũng được chia sẻ bởi các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, cho biết tình trạng thiếu xe tải và lái xe đã ảnh hưởng tới thời gian giao hàng.
Chi tiêu cho xây dựng sụt giảm
Mặc dù chỉ số ISM giảm tháng thứ hai liên tiếp, việc sản xuất vẫn được củng cố bởi kinh tế toàn cầu mạnh, cũng như đồng USD suy yếu đang tăng sự cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Một báo cáo khác từ Bộ Thương mại cho thấy chi tiêu xây dựng bất ngờ giảm trong tháng 3, do việc suy giảm mạnh trong xây dựng và cải tảo nhà dẫn tới đầu tư tại các dự án xây dựng tư nhân giảm mạnh nhất trong hơn 7 năm.
Chi tiêu trong xây dựng giảm 1,7%. Số liệu tháng 2 được điều chỉnh cho thấy chi tiêu trong xây dựng tăng 1% thay vì tăng 0,1% trong báo cáo trước đó.
Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đã dự đoán chi tiêu xây dựng tăng 0,5% trong tháng 3, và tăng 3,6% so với một năm trước.
Trong tháng 3, chi tiêu trong các dự án xây dựng tư nhân sụt giảm 2,1%. Đó là mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2011 và sau khi tăng 1,2% trong tháng 2.
Chi tiêu cho các dự án nhà ở tư nhân giảm 3,5%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2009, sau khi tăng 1,2% trong tháng 2. Chi tiêu cho dự án nhà ở đơn và nhiều hộ gia đình đều giảm trong tháng 3. Chỉ tiêu cho cải tạo nhà ở giảm 8% trong tháng 3.
Các nhà kinh tế dự kiến số liệu xây dựng sẽ làm giảm 0,1 điểm phần trăm từ tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm 2,3% trong quý 1 đã được công bố vào ngày 27/4.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet