Giá vàng tuần qua tiếp tục gia dịch ảm đạm
Tuần qua, giá vàng trong nước vẫn nằm trong bầu không khí giao dịch ảm đạm dù giá vàng có giảm. 5 phiên trong tuần, giá vàng dao động ở khoảng 36,23 – 36,36 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,41 – 36,52 triệu đồng/lượng (chiều bán ra).
Theo khảo sát của Doji, phần lớn nhà đầu tư tiếp cận thị trường theo hướng bán vàng ra chiếm khoảng 70% lượng khách tham gia giao dịch. Kết thúc tuần, vào sáng 14/12 giá vàng nằm ở vùng thấp nhất tuần (36,23 – 36,41 triệu đồng/lượng). Với mức giá này, vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.
Tỷ giá trung tâm tiếp tục biến động
Tỷ giá trung tâm tuần qua của NHNN tiếp tục biến động. Trong tuần, có 2 phiên được NHNN công bố ở mức 22.775 đồng/USD. Mức cao nhất tuần thuộc về ngày thứ Sáu (14/12) khi tỷ giá được niêm yết ở 22.778 đồng/USD. Tại các NHTM, giá giao dịch đồng đô la không có nhiều biến động. Đầu giờ sáng 14/12, một số ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ không đổi so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.240 đồng (mua) và 23.330 đồng (bán).
Giá USD trên thị trường tự do đứng ở mức: 23.320 - 23.340 đồng/USD.
World Bank cảnh báo nhiều tiềm ẩn rủi ro tích tụ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm dần tới năm 2020.
Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Điểm lại, cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam chiều 11/12/2018. Nghiên cứu của ngân hàng này cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự báo vẫn ở mức 6,8%, thậm chí là cao hơn mức này, như vậy cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tốc độ này có thể giảm dần trong trung hạn, theo xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, GDP Việt Nam giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019, 2020. Lạm phát vẫn được kiểm soát, theo World Bank, ở mức thấp dưới 4% nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ.
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7%
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 7% trong báo cáo mới nhất tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam 2016-2018 và dự báo tăng trưởng 2019 - 2020 vừa tổ chức sáng 12/12/2018.
Ba trụ cột lớn phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động không chỉ cho giai đoạn 2019 - 2020 mà có thể là động lực tới năm 2025.
Dư nợ thuế giảm 3% so với thời điểm 31/10/2018
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ tính đến 30/11/2018 là 79.069 tỷ đồng. Số nợ này giảm 3% so với thời điểm 31/10/2018. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 43.342 tỷ đồng (nợ dưới 90 ngày là 11.057 tỷ đồng; nợ trên 90 ngày là 32.285 tỷ đồng). Số nợ này chiếm tỷ trọng 54,8% tổng số tiền thuế nợ. Bên cạnh đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 35.727 tỷ đồng.
11 tháng năm 2018 có 12 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 11 tháng năm 2018 có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 11 doanh nghiệp nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp. Trong đó tổng giá trị doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.348 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.158 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.289 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.791 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 99 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5 tỷ đồng. Về thoái vốn, trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 3.758 tỷ đồng, thu về 7.987 tỷ đồng.
11 tháng năm 2018 hoạt động XNK tăng 13,3% so với cùng kỳ
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018 đạt 440 tỷ USD, tăng 13,3%, tương ứng tăng 51,76 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong 11 tháng năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đạt mức xuất siêu 7,4 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 6,8 tỷ USD mà Tổng cục Thống kê đã công bố vào cuối tháng 11/2018.
Tính đến hết tháng 11/2018, Việt Nam đã ký thêm 14 hiệp định, vay 1,2 tỷ USD
Hết tháng 11, Việt Nam đã ký thêm 14 hiệp định vay hơn 1,2 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm giải ngân khoảng 1.693 triệu USDtương đương khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng (bằng 36% kế hoạch năm); Trong đó cấp phát khoảng 29.152 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 9.781 tỷ đồng.
Thị trường ô tô tháng 11/2018: Doanh số tăng 6% so với tháng trước
Theo thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 11/2018 đạt 30.540 chiếc, tăng 6% so với tháng 10/2018, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số lượng xe du lịch đạt 21.718 chiếc (tăng 2% so với tháng trước), số lượng xe thương mại là 8.386 chiếc (tăng 18%) và số lượng xe chuyên dụng là 436 chiếc (tăng 15%). Xét tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường qua 11 tháng năm 2018 các thành viên VAMA đã bán ra tổng cộng 253.956 xe ô tô các loại, tăng trưởng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet