Thị trường vàng tuần qua nhìn chung ảm đạm, chưa gây được sức hút với các nhà đầu tư
Giá vàng SJC vào thời điểm mở cửa sáng 23/11- ngày cuối cùng của tuần neo ở mức 36,41 – 36,57 triệu đồng/lượng và là mức giá thấp nhất tuần. Mức cao nhất là vào phiên đầu tuần khi giá vàng bán ra được niêm yết ở mức 36,70 triệu đồng/lượng. Sự giảm sút của giá vàng trong tuần qua trái ngược với đà tăng của vàng thế giới. Chính vì vậy, nhìn chung trong nhiều phiên là bầu không khí khá ảm đạm, chưa gây được sức hút với các nhà đầu tư. Phần lớn tham gia thị trường là khách hàng nhỏ lẻ với các giao dịch theo chiều bán vàng ra là chủ yếu.
Tỷ giá trung tâm tăng 23 đồng trong tuần
Tuần qua, tỷ giá trung tâm liên tục tăng trong cả 5 phiên, dao động trong khoảng 22.721 – 22.743 đồng/USD. Như vậy, trong tuần, tỷ giá trung tâm đã tăng 23 đồng.Trên thị trường ngân hàng, xu hướng biến động qua nhiều phiên thể hiện khi các nhà băng tăng, giảm tỷ giá niêm yết trái chiều nhau.
Theo đó, vào sáng 23/11, Vietcombank và Sacombank giảm lần lượt 10 đồng và 11 đồng trên cả hai chiều. Trong khi, Vietinbank tăng 5 đồng ở cả hai chiều mua, bán; Agribank tăng 10 đồng ở giá mua và giữ nguyên giá bán. BIDV, Techcombank và Eximbank giữ nguyên tỷ giá niêm yết so với cuối ngày 22/11.
Giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức: 23.405 - 23.425 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, trước thềm cơ chế hiện hành sẽ kết thúc vào 31/12/2018. Cụ thể, dự thảo này đưa ra những điểm mới dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ.
Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tách nội dung quy định cơ chế cho vay đối với các loại nhu cầu tín dụng khác nhau, ứng với thời hạn kết thúc khác nhau trong năm 2019. Dự thảo cũng đưa ra hướng dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu (theo quy định hiện hành là đến hết ngày 31/12/2018)…
Tính đến nửa đầu tháng 11/2018, tình trạng nhập siêu đã quay trở lại
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu 10,6 tỷ USD trong nửa đầu tháng 11, nhập khẩu ở mức 11 tỷ USD. Như vậy, sau nhiều tháng xuất siêu, nhập siêu đã quay trở lại với mức thâm hụt thương mại nửa đầu tháng 11 khoảng 414 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/11, ước tính cả nước xuất siêu 6,83 tỷ USD. So với các năm trước, xuất siêu năm nay, tính đến hiện tại, vẫn ở mức cao.
Mời 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Trung QUốc (Quảng Đông) vào giao dịch, kết nối mua hàng tại TP.HCM và tỉnh Long An
Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, Sở Công Thương tỉnh Long An mời 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Trung Quốc (Quảng Đông) vào giao dịch, kết nối mua hàng tại TP.HCM và tỉnh Long An. Được biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 1,24 triệu tấn, trị giá đạt 0,64 tỷ USD).
Xử lý vướng mắc chứng nhận xuất xứ (C/O) xăng dầu nhập khẩu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý vướng mắc chứng nhận xuất xứ (C/O) xăng dầu nhập khẩu. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu tại cuộc họp bàn về việc xử lý chứng nhận C/O.Lãnh đạo yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12. Trước đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu có nhiều ý kiến liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Để được hưởng mức thuế nhập khẩu xăng, doanh nghiệp phải xin được giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng “không đơn giản”, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ. 
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: vinanet