Kết thúc buổi họp lịch sử ngày 9/4, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đạt khung thoả thuận kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác gần 10 triệu thùng dầu/ngày. Con số này tương đương với 10% tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn cầu hàng ngày.
Cụ thể, toàn bộ thành viên liên minh sẽ cắt giảm 23% sản lượng khai thác; Ả-rập Xê-út và Nga, mỗi quốc gia, sẽ cắt giảm sản lượng khai thác 2,5 triệu thùng/ngày và Iraq sẽ giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày.
Kể từ tháng 6/2020 – 12/2020, tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC+ sẽ đạt 8 triệu thùng/ngày và mức cắt giảm này sẽ giảm về mức 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 1/2020 – tháng 4/2020.
Tuy nhiên, liên minh OPEC+ nhấn mạnh thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác chính thức sẽ còn phụ thuộc vào việc Mexico có đồng ý cắt giảm hay không. Mexico đã từ chối cắt giảm sản lượng theo mức được ấn định.
Liên minh OPEC+ cũng kỳ vọng các quốc gia khai thác dầu thô lớn khác như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy và Brazil sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 5 triệu thùng/ngày nhằm cùng bình ổn giá dầu. Nếu các quốc gia khác cùng tham gia cắt giảm, thì tổng mức cắt giảm sản lượng lần này sẽ lên tới 15 triệu thùng/ngày – con số cao kỷ lục trong tất cả các lần cắt giảm sản lượng trước đây.
Một số chuyên gia cảnh báo mặc dù mức cắt giảm sản lượng lên tới khoảng 15% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu nhưng con số này cũng sẽ không đủ để ngăn chặn tình trạng dư cung xảy ra trên thị trường dầu mỏ và các kho chứa dầu đang ngày càng bị lấp đầy nhanh hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Khalid Bin Abdulaziz Al-Falih và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tại một cuộc họp báo tại Vienna, Áo (Ảnh: Bloomberg)
Theo ước tính của một số hãng giao dịch dầu mỏ lớn trên thế giới, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đã giảm tới 30 triệu thùng/ngày tương đương 30% tổng nguồn cung dầu thô trong bối cảnh các lệnh phong toả, hạn chế đi lại và cách ly xã hội được áp dụng tại nhiều nơi nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Các quan chức thuộc khối OPEC và Nga đều lên tiếng thúc giục các quốc gia khai thác dầu thô lớn cùng tham gia cắt giảm sản lượng khai thác nhằm kìm hãm đà giảm của giá dầu thô. Trong tháng 3/2020, giá dầu thô Brent – một trong những loại dầu thô tiêu chuẩn toàn cầu đã giảm còn 32 USD/thùng, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2002 và giảm đến 50% so với mức giá hồi năm 2019.
Hoa Kỳ - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là người liên tục thúc giục Ả-rập Xê-út và Nga cắt giảm sản lượng khai thác nhưng tính đến hiện nay, Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết cắt giảm sản lượng khai thác.
Chính phủ Hoa Kỳ cho biết sản lượng khai thác dầu thô của nước này được dự báo cũng sẽ giảm xuống trong năm 2020 và 2021 khi giá dầu thô giảm mạnh, không cần đến việc tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+.
Dầu thô bật tăng trở lại nhờ tín hiệu tích cực OPEC+ sẽ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng