Tuy nhiên, 10 năm sau sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, vẫn còn đó những cảnh báo rằng nợ nần sẽ trở thành một mối rủi ro lớn.
Viễn cảnh đối với nền kinh tế toàn cầu hiện dường như khả quan nhờ lấy lại được tốc độ tăng trưởng ổn định sau một năm chứng kiến nhiều dao động do ảnh hưởng của cuộc bỏ phiếu Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng như các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kinh tế Mỹ đang rục rịch tăng trưởng cùng với chu kỳ mở rộng dài nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Trung Quốc, đầu tầu tăng trưởng toàn cầu trong mấy chục năm gần đây, vẫn tiếp tục đà phát triển của mình.
Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cuối cùng cũng bắt đầu phát triển với một tốc độ vừa phải sau nhiều năm yếu ớt. Các quốc gia đang nổi như Brazil được kỳ vọng sẽ phục hồi sau thời kỳ suy thoái. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng thêm 3,7% trong năm 2018 gợi lên những niềm lạc quan vốn không nhiều trong hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các chính phủ có thể hài lòng với mình mà cần thận trọng. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từng nhấn mạnh các chính phủ cần xử lý ngay các vấn đề tiềm tàng. Cụ thể, những rủi ro vào thời điểm này có thể bắt nguồn từ các công ty tư nhân mắc nợ khó trả.
IMF, Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) và các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng lượng lớn công ty vốn đổ xô đi vay vào thời điểm lãi suất cực thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện sẽ phải đối mặt nợ khó trả trước nguy cơ lãi suất tăng cao.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria, gần đây nhận định: "Số tiền nợ của các công ty tư nhân và tập đoàn đã đạt con số kỷ lục ở nhiều nước." Vì vậy, các công ty được gọi là "công ty zombie," tức công ty mắc nợ không thể trả được, đang nằm ở tuyến đầu rủi ro.
Tại thời điểm lãi suất cực thấp, các công ty hoạt động không có lãi tồn tại được là nhờ tiền vay để cầm cự hoạt động của mình. Vì vậy, khi lãi suất tăng, đã bắt đầu ở Mỹ và sẽ có thể xảy ra ở Eurozone trong một vài năm tới, chi phí của những khoản đi vay sẽ đội lên nhanh chóng buộc các công ty này phải tái cấu trúc hoặc phá sản. Khi ấy, một làn sóng mất giá và vỡ nợ đối với trái phiếu có thể nhanh chóng gây ra cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu.
Tại thời điểm này, Trung Quốc lại đang nằm trong quan ngại. Hồi đầu tháng 12, IMF cảnh báo rằng hàng chục ngân hàng quan trọng ở Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp bảo vệ trước nguy cơ các "công ty zombie" sụp đổ.
Trung Quốc vốn chủ yếu dựa vào các hoạt động xuất khẩu và đầu tư nhờ nợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trong một số trường hợp, một số ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với sức ép cho các công ty có vai trò về mặt chính trị tiếp cận khoản vay khi chính quyền địa phương muốn duy trì tỷ lệ việc làm cao ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cạn tiền tiếp tục hoạt động.
Ngoài vấn đề nợ nần, một số nhà kinh tế cũng bắt đầu lo ngại liệu tiền ảo có thể tác động cuộc khủng hoảng trong tương lai hay không. Giá trị đồng tiền ảo Bitcoin đã vượt mốc mới trong năm nay, từ dưới 1.000 USD hồi tháng 1 vượt đến hơn 18.500 USD và thậm chí gần 20.000 USD vào tháng 12 trong bối cảnh đồng tiền này đã bắt đầu lên sàn giao dịch hợp đồng tương lai CBOE ở Chicago hôm 10/12.
Giới chuyên gia cảnh báo sự tăng giá ngoạn mục của Bitcoin là dấu hiệu đầu tiên cho sự tồn tại của loại bong bóng đầu tư mới. Trong khi đó, nhiều người đang mua vào Bitcoin ở dạng giao dịch ký quỹ, đồng nghĩa với việc họ đang phải đi vay một khoản tiền trên sàn giao dịch và có thể thua lỗ nặng nếu bong bóng đầu cơ Bitcoin bị vỡ.

Nguồn: Vietnamplus.vn