Với đà tăng giá phi mã này, khả năng bitcoin sẽ sớm cán đích 50.000 USD, chứ không chờ đến cuối năm 2018 như dự báo của một số chuyên gia. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá chóng mặt của bitcoin đang làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ sụp đổ không thể tránh khỏi của loại tiền ảo này trong tương lai.

Trên thực tế, tiền ảo đã được hình thành từ lâu. Theo nhận định của nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - Alan Greenspan, bitcoin chỉ là phiên bản mới nhất của tiền tự tạo continental, với mục tiêu là để tài trợ Cách mạng Mỹ. Phát hành năm 1775 và được Quốc hội lục địa tuyên bố là hợp pháp, giá trị của continental có được là nhờ số lượng tờ tiền có sẵn và nhu cầu của thị trường chứ không phải bởi sự hậu thuẫn của vàng hay bạc.

Nhờ số tiền này, George Washington - Tổng thống Mỹ đầu tiên, đã mua được rất nhiều vũ khí và trang trải mọi chi phí quân sự. Sau đó, do lượng tiền không ngừng tăng lên (một phần vì dễ bị làm giả), continental đã thành “giấy lộn”. Năm 1782, continental không còn giá trị. Sau đó, Quốc hội Mỹ đã tạo ra USD làm đơn vị tiền tệ tiêu chuẩn của quốc gia, bắt đầu lưu hành từ năm 1792.
Nhận định của Alan Greenspan cho thấy, đồng tiền kỹ thuật số chỉ nên được áp dụng trong quy mô và phạm vi cụ thể, do một tổ chức đứng ra phát hành hoặc bảo lãnh với mục tiêu rõ ràng và đem lại lợi ích thực tế cho xã hội. Trong lịch sử và nhất là trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức đã sử dụng bitcoin và đồng tiền kỹ thuật số riêng trong một số trường hợp cụ thể.
Nguyên nhân cơ bản khiến bitcoin tăng giá mạnh là tốc độ tăng giá phi mã nhưng chỉ phải đầu tư nguồn vốn rất nhỏ ban đầu đã cuốn hút sự tham gia của nhiều DN và cá nhân với hy vọng sẽ giàu lên nhanh chóng, trở thành trò chơi “đỏ, đen” của các “con bạc”. Thậm chí, nhiều người đã dùng hết hạn mức thẻ tín dụng và thế chấp cả nhà để mua bitcoin.
Khác với thị trường chứng khoán, thủ tục tham gia giao dịch bitcoin rất đơn giản và không phải xin phép bất kỳ cơ quan quản lý nào, và điều này khiến nhà đầu tư cảm thấy tự do khi tham gia giao dịch bitcoin.
Trong khi đó, nguồn cung bitcoin rất hạn hẹp, chỉ khoảng 21 triệu bitcoin. Vì thế, khi nhu cầu tăng cao, bitcoin tăng giá là tất yếu, nhất là sau khi một số quỹ đầu tư có tổ chức tại Mỹ bày tỏ mối quan tâm là sẽ hỗ trợ các giao dịch bitcoin.
Ngày 06/12, CNBC dẫn nhận định của GS. Stephen Roach đến từ Đại học Yale, đồng thời là cựu Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á kiêm Kinh tế trưởng của Morgan Stanley cho rằng, các nhà đầu tư đã đổ xô vào bitcoin với hy vọng tiền điện tử có khả năng trở thành phương tiện trao đổi và lưu giữ giá trị. Tuy nhiên, bitcoin là bong bóng đầu cơ vô cùng nguy hiểm, và là “thuốc độc” đối với các nhà đầu tư. Bitcoin không thể được sử dụng như một phương tiện trao đổi hoặc lưu giữ giá trị, giống như tiền do NHTW phát hành.
Giáo sư Roach cho rằng, một số sàn giao dịch lớn tại Chicago càng khiến nhà đầu tư tự tin hơn khi tuyên bố kế hoạch mở cửa hợp đồng bitcoin tương lai. Tuy nhiên, những động thái này càng khiến bitcoin trở nên nguy hiểm hơn do bản chất thiếu giá trị kinh tế thực. Nhiều nhà đầu tư thừa nhận, không thực sự hiểu về công nghệ nền tảng hậu thuẫn cho bitcoin chính là blockchain, mà chỉ hy vọng có thể kiếm lời từ những đợt tăng giá phi mã của đồng tiền điện tử này.
Chuyên gia Dominic Williams thuộc nhóm nghiên cứu dự án DFINITY tỏ ra hoài nghi về khả năng tồn tại của các đợt gọi vốn thông qua phát hành tiền ảo (ICO) và cho rằng, xác suất thành công của các dự án ICO rất thấp, phần lớn các thương vụ ICO đều nhằm mục đích huy động tiền từ những nhà đầu tư ủng hộ tiền điện tử hơn là cung cấp những tiện ích của loại tiền này cho thế giới thực.
Về phía nhà đầu tư, nhiều người thậm chí chưa thực sự am hiểu về bitcoin, công nghệ blockchain và thường nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Vì thế, đầu cơ sẽ càng thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm và các DN mới tham gia thị trường này. Ông quan ngại, bitcoin có thể trở thành mô hình lừa đảo kim tự tháp và nhiều nhà đầu tư sẽ mất khoản tiền lớn.
Trước đó vào ngày 29/11/2017, Digiconomist dẫn nhận định của Preston Byrne - chuyên gia sáng lập công ty phần mềm blockchain Monax về 4 rủi ro liên quan đến bitcoin. Bao gồm:
(i) bitcoin chỉ nằm trong tay một vài người và không thể biết ai có bitcoin; (ii) thị trường thường xuyên bị thao túng; (iii) một giao dịch có diễn ra hay không đều do xác suất chứ không được xác định theo luật pháp; (iv) giá tiền ảo ngày càng tăng, khiến những người sở hữu trở thành mục tiêu “béo bở” cho tin tặc.
Ngoài ra, cũng như những tài sản khác, khả năng rời thị trường cũng là yếu tố quyết định. Nếu nhiều khách hàng bán ra cùng lúc, các tổ chức kinh doanh tiền ảo sẽ phải chịu áp lực tài chính vì không có quyền tiếp cận tín dụng tại các ngân hàng.
Ngày 01/12, Tờ Finatial times dẫn nhận định của giáo sư Jean Tirole cho rằng, bitcoin chỉ đơn thuần là một loại bong bóng tài sản và không có giá trị nội tại, đồng tiền này sẽ giảm xuống mức giá 0 USD nếu niềm tin của nhà đầu tư không còn. Trong lịch sử, thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc đổ vỡ của các loại bong bóng tài sản, từ bong bóng hoa tulip (trong những năm 1630) và bong bóng Biển Nam (năm 1720), đến hàng loạt những đợt bong bóng chứng khoán, bất động sản.
Ông khẳng định, bitcoin không bền vững và không phục vụ lợi ích chung, giá trị xã hội của đồng bitcoin cũng chưa thực sự rõ ràng, chỉ có một bộ phận nhà đầu tư hoặc “thợ đào bitcoin” mới sở hữu đồng tiền điện tử này. Bitcoin có thể là giấc mơ của sự tự do, không bị quản lý bởi các nhà ngân hàng hay bất cứ cơ quan nào.
Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nhức nhối đối với các nhà hoạch định chính sách, do bitcoin có thể trở thành công cụ rửa tiền và trốn thuế, trong thế giới tràn ngập những người sở hữu tiền điện tử.
Do không phải chịu sự quản lý từ cơ quan trung gian hay ngân hàng, ICO phớt lờ nguyên tắc tài chính cơ bản là phải có cơ quan trung gian tin cậy để theo dõi dự án. Thông qua các đợt ICO, các công ty đã thu về hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2017. Để có tiền cho các dự án, các start-up sẽ phát hành token cho nhà đầu tư (giống như cổ phiếu).
Tuy nhiên, không giống như cổ phiếu, nhà đầu tư hầu như không có quyền biểu quyết. Nếu trả cổ tức bằng token thay vì USD, token sẽ trở thành một loại bong bóng, giá trị có thể giảm xuống còn 0 USD nếu công ty làm ăn thua lỗ.
Tuy nhiên, ông ủng hộ blockchain - công nghệ nền tảng của bitcoin. Công nghệ sổ cái phân tán này là một sự bước tiến bộ vượt bậc và cần được sự ủng hộ mạnh mẽ. Những tiến bộ công nghệ có thể cải thiện tốc độ giao dịch tài chính đều được hoan nghênh, miễn là công nghệ đó không rời xa những nguyên tắc cơ bản của thị trường.
Ông kêu gọi, các cơ quan quản lý cần có biện pháp ngăn chặn các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư trong việc tiếp cận những công cụ này, nhằm bảo vệ các nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo những rủi ro liên quan đến giao dịch bitcoin và sự tồn tại của hệ thống tiền ảo nói chung. Do nguồn cung hạn chế, nếu giá tiếp tục leo thang, vị thế mua vào bitcoin sẽ không còn. Đồng thời, số lượng tiền điện tử mà các nhà môi giới nắm giữ tăng cao, rủi ro về an ninh ngày càng lớn.
Do bitcoin không chịu bất cứ sự quản lý nào từ phía ngân hàng trung ương, nên khi sự cố xảy ra, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ. Một ngày nào đó, bong bóng bitcoin có thể vỡ, gây ra lộn xộn trong thị trường. Vì thế, các ngân hàng cần hạn chế xu hướng này.
Tốc độ tăng giá nhanh chóng và mức độ biến động lớn đang khiến giới chức không khỏi quan ngại là, một thị trường chưa thực sự hoàn thiện có thể tiềm ẩn những rủi ro đối với các công ty đang cố gắng kiếm tiền theo trào lưu này.
Tuy nhiên, hầu hết các NHTW vẫn chưa có động thái rõ ràng và thái độ dứt khoát đối với bitcoin. Từ giác độ của các cơ quan quản lý tài chính, bitcoin chỉ là một tài sản đơn thuần như vàng hay những cổ phiếu khác trên thị trường, quyết định mua bán bitcoin là quyền riêng tư của nhà đầu tư, và cơ quan quản lý chỉ can thiệp khi nhà đầu tư vi phạm các quy định về quản lý. Làn sóng đầu tư vào bitcoin sẽ dâng cao đến đỉnh điểm, cho đến khi tự nó sụp đổ.
Khi đó, nhà đầu tư mới “ngấm đòn” và tháo chạy khỏi thị trường này một cách muộn màng, với mức độ thiệt hại tùy thộc vào lượng tiền và công sức đã bỏ ra, nhưng cơ quan quản lý không có nghĩa vụ phải hỗ trợ. Khi bong bóng bitcoin phát nổ, thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu chưa phải là vấn đề đáng lo ngại như những vụ sụp đổ đã xảy ra trên một số thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, do quy mô của bitcoin còn rất nhỏ bé.
Hơn nữa, còn nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan đến blockchain, nên hầu hết các NHTW vẫn ứng xử rất thận trọng với tiền ảo và theo dõi chặt chẽ những rủi ro có thể xảy ra, mặc dù tỏ thái độ ngày càng cởi mở hơn đối với bitcoin và các loại tiền ảo nói chung.
Nguồn: Hoàng Thế Thỏa/thoibaonganhang.vn