Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2019 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm do nhu cầu chậm lại trên toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang trên đà tăng chậm lại và nhiều yếu tố bất lợi từ cả bên trong lẫn bên ngoài, tại kỳ họp mới đây nhất, Quốc hội nước này đã hạ mục tiêu về tăng trưởng GDP trong năm 2019, đồng thời chủ trương sẽ thực hiện chính sách tài khóa phù hợp cho năm nay cũng như hàng loạt các biện pháp kích thích như giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng.
GDP trong quý 4/2018 tăng 6,4% (so với cùng quý năm trước đó), đưa mức tăng trưởng GDP trong năm 2018 đạt 6,6%, thấp nhất trong khoảng 3 thập kỷ. Hàng loạt các chỉ số kinh tế không mấy khả quan: nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng chậm lại, chỉ số lạm phát chậm dần, đơn đặt hàng xuất khẩu có xu hướng giảm. Các yếu tố bên ngoài như Brexit hay cuộc chiến thuế quan với Mỹ khiến cho tình hình càng thêm phức tạp. Quý 1/2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc tiếp tục tăng 6,4% so với cùng quý năm trước.
Trong năm ngoái, các ngân hàng đã bán rất nhiều khoản nợ xấu cho các công ty quản lí tài sản (AMC). Theo báo cáo của Jason Bedford, Giám đốc điều hành nghiên cứu tài chính châu Á tại UBS Group AG tại Hồng Kông, doanh số bán cho các công ty AMC và các khoản thanh toán khác là gần 1,8 nghìn tỉ nhân dân tệ. Mặc dù vậy, số dư nợ xấu của các nhà bằng vẫn tăng từ 1.7000 tỉ nhân dân tệ lên 2.000 tỉ nhân dân tệ.
Điều này có một vài hàm ý. Đầu tiên, các ngân hàng phải dành nhiều thu nhập hơn cho các khoản dự phòng rủi ro cho vay. Trong nửa đầu năm 2018, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã phân bổ 43% lợi nhuận trước dự phòng để tăng vốn. Tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, dự phòng rủi cho đã "ăn mòn" khoảng 56% lợi nhuận nửa đầu năm, tăng từ 41% một năm trước đó. Thứ hai, các số liệu cho thấy rằng Trung Quốc dường như chưa đề cập rõ ràng đến những con số nợ xấu. Báo cáo tài chính cho thấy tỉ lệ nợ xấu tại ICBC đã giảm từ 1,56% (cuối năm 2017) xuống 1,53%, tuy nhiên thị trường vẫn luôn có những nghi ngờ về mức độ chính xác của những con số này. Thứ ba, lĩnh vực tài chính ngày càng bị hạn chế về vốn. Các ngân hàng và AMC cũng đều gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn nhất là đối với các nhà băng cỡ nhỏ và trung bình.
Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) trung bình trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng 1,8% (so với cùng kỳ năm trước), thấp nhất kể từ tháng 1/2018 và thấp hơn mức tăng 2,1% của cả năm 2018 (mục tiêu của Chính phủ là tăng khoảng 3% trong năm 2019). Sự biến động mạnh của một số thị trường như đậu tương hay thịt lợn, cùng với chi tiêu tiêu dùng chững lại tiếp tục tác động tới CPI của nước này.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 1,4%, sau khi tăng 9,9% trong năm 2018; trong khi đó nhập khẩu giảm 4,8%, sau khi tăng 15,8% ở năm 2018.
Đầu tư tài sản cố định trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,9% của cả năm 2018. Trong đó, đầu tư tài vào tài sản cố định của khu vực tư nhân (ước chiếm khoảng 60% tổng đầu tư của Trung Quốc) tăng 7,5% trong 2 tháng trên. Tăng trưởng FDI tiếp tục duy trì, với mức 8% trong 3 tháng đầu năm 2019 (tính theo CNY). Dòng vốn đầu tư đổ vào các ngành công nghệ cao trong 2 tháng đầu năm 2019 tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 27,6% tổng lượng FDI trong 2 tháng nói trên (tính theo đồng CNY). Trong đó lĩnh vực chế tạo công nghệ cao thu hút 15,91 tỷ CNY và tăng 9,3%.
Giá nhà trung bình ở 70 thành phố lớn ổn định trong quý 1/2019, mặc dù ở những thành phố nhỏ đang giảm nhẹ.
Sản xuất tiếp tục tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại. PMI không chỉ vẫn dưới ngưỡng 50 mà còn tiếp tục giảm từ 49,5 trong tháng 1/2019 xuống 49,3 trong tháng 2/2019. Sản xuất công nghiệp giá trị gia tăng tăng 6,5% trong 3 tháng đầu năm 2019, sau khi tăng 6,2% trong cả năm 2018. Chiến dịch chống ô nhiễm môi trường và suộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến hoạt động sản xuất, lợi nhuận tập đoàn, tâm lý kinh doanh và tiêu thụ của Trung Quốc đồng loạt giảm. Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay giảm 14% so với năm trước xuống 708,01 tỷ CNY (105,5 tỷ USD), mạnh nhất kể từ cuối năm 2011.
Tuy nhiên, sau 3 tháng liên tiếp sụt giảm, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã bất ngờ mở rộng trong tháng 3/2019 khi PMI lên 50,5 điểm, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2012.. Sản xuất trong tháng 3/2019 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán lẻ trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng 8,3%, so với mức tăng 9% của năm 2018. Thị trường ôtô tiếp tục sa sút là nguyên nhân chính làm chậm lại tốc độ tăng bán lẻ ở nước này. Doanh số bán ôtô tại Trung Quốc đã giảm 8 tháng liên tiếp, trong đó mức giảm của tháng 2/2019 (mới có số liệu đến tháng này) là 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự bão hòa của thị trường ôtô tại các thành phố lớn của Trung Quốc, cùng với sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng ở những thành phố nhỏ hơn là những nguyên nhân chính gây sụt giảm nhu cầu ô tô. Xe chạy điện là điểm sáng duy nhất trên thị trường ôtô Trung Quốc hiện nay, với doanh số tăng gấp đôi trong 2 tháng đầu năm, đạt 148.000 xe.
Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức thấp nhất trong vòng khoảng 20 năm qua, là 3,8% trong quý 4/2018. Tuy nhiên, thị trường việc làm của nước này có dấu hiệu xấu đi do xuất khẩu sụ giảm.
Đồng CNY đã tăng 2,3% so với USD trong quý 1/2019, sau khi giảm hơn 5% trong năm 2018, góp phần làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ. Tại cuộc gặp gỡ mới đây giữa các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, phía Trung Quốc đã cam kết sẽ duy trì đồng CNY cơ bản ổn định trong phạm vi cân bằng và hợp lý, không dùng tỷ giá hối đoái làm công cụ cạnh tranh thương mại, hoặc phương tiện để tăng giá trị xuất khẩu.
Chính sách. Trung Quốc đang rất tích cực đưa ra các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế đang trên đà giảm tốc đồng thời cải thiện mối quan hệ với các nước đối tác. Mặc dù vậy, nước này vẫn tiếp tục khẳng định sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ thận trọng hiện nay và kiên quyết không viện đến gói kích thích "khổng lồ".
Xử lý nợ xấu. Trong năm 2018, các nhà chức trách đã làm việc chăm chỉ để kiềm chế đòn bẩy hệ thống tài chính. Tín dụng nền kinh tế tăng ở mức khá khiêm tốn khoảng 10% với mức tăng trưởng các khoản vay mới giảm về 14%. Để thực hiện điều này, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng biện pháp thắt chặt thị trường tín dụng chưa chính thức và chuyển dần sang hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng các khoản cho vay mới tại các ngân hàng đã tăng 13% trong năm ngoái. Trong khi đó, các nhà cho vay lớn thuộc sở hữu nhà nước đã bắt đầu triển khai các khoản tái cấp vốn. Vào tháng 1, Bank of China đã trở thành người đầu tiên bán trái phiếu vĩnh viễn, huy động được 40 tỷ CNY. China Citic Bank Corp cũng lên kế hoạch bán trái phiếu để tăng vốn cấp 1.
Hỗ trợ doanh nghiệp. Để đảm báo tính thanh khoản trong hệ thống tài chính, Trung Quốc đã triển khai một số biện pháp như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cung cấp các khoản vay mới…Nhằm hỗ trợ các công ty tư nhân và công ty có quy mô nhỏ, Bắc Kinh dự định tăng cường cắt giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa, với mục tiêu thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng lớn đối với các công ty nhỏ tăng thêm 30%.
Bên cạnh đó, ngày 15/3/2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp quan trọng nhằm chống lại sức ép suy thoái kinh tế. Cụ thể, sẽ cắt giảm gần 2.000 tỷ CNY (tương đương 298,31 tỷ USD) thuế và phí cho các doanh nghiệp trong năm nay (kế hoạch này lớn hơn nhiều so với mức cắt giảm trị giá 1.300 tỷ NDT được thực hiện trong năm 2018); chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD…
Kích thích tiêu dùng. Chính phủ Trung Quốc nhận định sự suy giảm doanh số bán ôtô là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng tiêu dùng tại Trung Quốc yếu đi trong năm 2018, do đó việc đẩy mạnh tiêu thụ ôtô là một biện pháp được chú trọng. Trong năm 2019, Chính phủ dự định sẽ khuyến khích người dân mua thêm các thiết bị điện gia dụng và ôtô tùy theo tình hình tại mỗi địa phương. Bên cạnh đó, sẽ đưa ra nhiều chính sách để tăng nguồn cung sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao (như mạng viễn thông 5G và dịch vụ video độ phân giải cực cao 4K, bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng như các bãi đỗ xe và trạm nạp năng lượng cho các phương tiện NEV), đồng thời củng cố sức mạnh chi tiêu của người dân bằng các biện pháp như khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đặc biệt. Khu vực nông thôn cũng sẽ chứng kiến hoạt động mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử và du lịch tăng tốc phát triển. Ngoài ra, khu vực này cũng sẽ khởi động các chiến dịch nâng cao chất lượng sản phẩm để cải thiện môi trường kinh doanh.
Thông qua luật đầu tư nước ngoài mới. Tại kỳ họp thứ 2, Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc) khóa XIII đã thông qua Dự thảo Luật đầu tư nước ngoài. Dự thảo này được xây dựng gồm những quy định thống nhất về cách tiếp cận, thúc đẩy, bảo vệ và quản lý trong đầu tư nước ngoài, nhằm cải thiện sự minh bạch của các chính sách đầu tư nước ngoài và đảm bảo các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu. Từ cuối năm 2018, Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu qua đường biên giới nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu thông qua các chính sách cụ thể như tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu; quy định chặt chẽ về vật liệu đệm lót trái cây để vừa tránh gây hại tới sức khỏe con người, vừa tránh sinh vật truyền nhiễm…
Dự báo. Những vấn đề nội tại của Trung Quốc cùng với xuất khẩu suy yếu và công cuộc chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững hơn sẽ khiến kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Kết quả giải quyết mối quan hệ thương mại với Mỹ cũng cũng quyết định rất lớn tới tương lai của nền kinh tế này.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6-6,5%, CPI khoảng 3% và tạo ra trên 11 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị. Đồng thời, Trung Quốc dự kiến cắt giảm mức tổng chi tiêu 5%, giảm chi phí cho các chuyến công du nước ngoài của quan chức, chi phí phương tiện, lễ tân. Ngoài ra, Chính phủ cũng nâng mục tiêu thâm hụt tài khóa năm 2019 lên mức 2,8% GDP, tăng 0,2% so với năm 2018. Thâm hụt ngân sách dự kiến ở mức 2,76 nghìn tỷ CNY (khoảng 412 tỷ USD), trong đó thâm hụt của chính quyền trung ương là 1,83 nghìn tỷ CNY và thâm hụt ở chính quyền địa phương là 930 tỷ CNY.
Về phía các tổ chức quốc tế, trong báo cáo mới nhất về kinh tế Trung Quốc công bố ngày 16/4, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và 2020, nhưng có thể làm suy yếu nỗ lực kiểm soát nợ của Bắc Kinh và khiến cho tình trạng méo mó về cấu trúc kinh tế trở nên tồi tệ hơn trong trung hạn. Báo cáo của OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại xuống còn 6,2% trong năm nay - mức yếu nhất trong gần 30 năm qua và thấp hơn so mức dự báo tăng 6,3% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng Ba. Nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ còn hạ xuống 6% vào năm 2020. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc có thể “giảm tốc” từ 5,1% năm 2018 xuống còn 4,5% trong năm nay do ảnh hưởng từ các xung đột thương mại với Mỹ.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS AG của Thụy Sỹ cũng nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có dấu hiệu thoát đáy. Theo UBS, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) vượt dự báo trong tháng 3/2019 của Trung Quốc là đúng với nhận định của ngân hàng này về sự giảm tốc có kiểm soát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và điều này sẽ không khiến kinh tế toàn cầu và các thị trường đi chệch hướng.
UBS cho rằng sự phục hồi của PMI không đơn thuần là sự khởi sắc thông thường mang tính mùa vụ sau Tết Nguyên đán, khi các chỉ số phụ cho thấy sự cải thiện chung. Theo UBS, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2019, khi các biện pháp kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ cải thiện triển vọng kinh tế vĩ mô trong quý II/2019. Cũng theo UBS, các biện pháp kích thích mà Chính phủ Trung Quốc thực hiện đã đưa đến sự bứt phá của thị trường thị trường chứng khoán nước này. Tuy nhiên, UBS cho rằng các thị trường chứng khoán Trung Quốc đối mặt với những rủi ro từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang tiếp diễn, các chính sách kích thích hạn chế hơn của chính phủ và chu kỳ sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp đã lên sàn.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet