Lạm phát tăng trưởng nhanh ở Mỹ tạo cơ hội để ngân hàng trung ương nước này (Fed) tiếp tục nâng lãi suất, qua đó đẩy tăng đồng USD. Ngoài ra, yếu tố này còn khiến nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền từ thị trường mới nổi sang Mỹ. Đáng chú ý, đồng Peso của Argentina đã lao dốc 55% xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Trước đó, Argentina đã tiến tới thỏa thuận vay 50 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Không chỉ đồng Peso của Argentina, đồng Rupee của Ấn Độ cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần cuối tháng 6, vì những nỗi lo về chiến tranh thương mại và sức ép từ đà tăng của giá dầu. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng Lira bị tác động nặng nề trước lo ngại về sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Thỗ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm hơn 3% trong 2 tuần cuối tháng 6.
Nhà đầu tư sợ rằng “cơn mưa giông” từ thị trường mới nổi sẽ sớm trở thành “cơn cuồng phong” lan rộng ra cả phần còn lại của thế giới. Đó là điều đã diễn ra trong suốt cuộc khủng hoảng đồng Peso của Mexico trong năm 1994 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Và sau đó là châu Âu. Cuộc bầu cử tại Italy làm dấy lên nỗi lo sợ rằng Italy có thể quyết định rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), qua đó tác động nặng nề tới đồng Euro. Những lo lắng này thậm chí còn lan sang Phố Wall, khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong thời gian ngắn. Mặc dù khủng hoảng chính trị Italy đã dịu đi nhiều, nhưng đây vẫn được xem là lời nhắc nhỏ về tình hình khó khăn của Eurozone.
Đồng USD. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/6, tỷ giá USD giảm xuống mức đáy 3 ngày so với đồng euro sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về vấn đề người nhập cư, giúp làm giảm sức ép lên Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tỷ giá USD tăng 0,24% so với yen Nhật lên 110,76 yen, nhưng lại giảm gần 1% so với euro và bảng Anh. Trong khi đó, so với đồng USD, đồng euro tăng 0,83% lên mức 1,1663 USD. Tỷ giá đồng bảng Anh cũng tăng 0,99% lên 1,3208 USD.
Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn tăng 5,5%, ghi nhận quý thể hiện tốt nhất trong 6 quý vừa qua do được hỗ trợ từ kỳ vọng Fed sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn các ngân hàng trung ương khác.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Bruxelles (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU ngày 29/6 tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về vấn đề người nhập cư dù thỏa thuận này bị chỉ trích là mơ hồ, khó thực hiện và là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với quyền con người.
“Hiệp định của EU giúp cải thiện tâm lý tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”, ông Karl Schamotta - Giám đốc chiến lược thị trường và sản phẩm toàn cầu tại Cambridge Global Payments, cho biết.
Thỏa thuận về di cư cũng giải tỏa áp lực đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel và xóa bỏ nguy cơ chính phủ liên minh của bà sụp đổ.
Chỉ số Dollar Index, cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt còn lại, giảm 0,76% xuống 94,663 điểm.
Số liệu công bố hôm qua cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế tại nước này, tăng 0,2% trong tháng 5. Tỷ lệ này trong tháng 4 là 0,5%, thấp hơn mức tăng 0,6% được công bố trước đó. Theo chuyên gia Schamotta, số liệu này cho thấy có lẽ người tiêu dùng không lạc quan về triển vọng kinh tế như kỳ vọng trước đó.
Đồng peso Mexico chạm đỉnh một tháng so với đồng USD trước thềm cuộc bầu cử tổng thống nước này sẽ diễn ra vào ngày 1/7.
Trong khi đó, tỷ giá đô la Canada tăng lên cao nhất 10 ngày so với đồng USD sau khi số liệu cho thấy nền kinh tế nước này bất ngờ tăng trưởng trong tháng 4, củng cố kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ tăng lãi suất trong tháng tới.
Nhân dân tệ. Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm giá kỷ lục so với đồng USD trong tháng 6/2018. Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 6/2018, NDT giảm 1,9% - nhiều thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau cú giảm ghi nhận vào giữa tháng 8/2015, khi PBoC khiến thị trường toàn cầu bị sốc khi bất ngờ phá giá NDT 2,8% chỉ trong 1 tuần. Trong vòng 2 tuần cuối tháng, đồng tiền này giảm 3% giữa lúc căng thẳng về vấn đề thương mại Mỹ - Trung leo thang. Tính chong trong tháng 6, NDT giảm 3,3% so với USD, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ khi Trung Quốc thiết lập thị trường ngoại hối vào năm 1994.
Lần này, cũng giống như vào tháng 8/2015, sự giảm giá của NDT diễn ra đồng thời với sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc lục địa. Trong tháng 6, chỉ số Shanghai Composite Index sụt 8% khi kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Mặc dù vậy, phản ứng của thị trường với sự giảm giá của NDT lần này không mạnh như hồi năm 2015.
Giới phân tích cho rằng ở thời điểm hiện tại, diễn biến tỷ giá đồng NDT giống tác động của các lực lượng thị trường hơn là hành động chiến tranh tiền tệ.
Đầu năm nay, NDT tăng giá mạnh so với USD, cho dù đồng bạc xanh tăng giá so với đồng Euro và đồng tiền của nhiều thị trường mới nổi khác. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng sự giảm giá gần đây của NDT một phần là "hiệu ứng bắt kịp".
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo sự giảm giá sâu hơn của đồng tiền này có thể khiến căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. "Trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại và kinh tế gia tăng giữa hai nước, biến động tỷ giá có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với ở vào thời điểm bình thường", giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell, nguyên trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc nhận định. Theo ông Prasad, sự giảm giá của NDT có thể được xem như hoặc là dấu hiệu cho thấy chế độ tỷ giá của Trung Quốc chịu tác động ngày càng lớn của các lực lượng thị trường, hoặc là một tín hiệu của Trung Quốc gửi tới Mỹ về một thứ “vũ khí” khác trong cuộc chiến hương mại của Bắc Kinh.
Vào cuối năm 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố bắt đầu mục tiêu giữ ổn định tỷ giá đồng NDT so với một rổ tiền tệ, thay vì neo buộc chặt chẽ tỷ giá đồng nội tệ vào USD. Chính sách này đồng nghĩa với việc NDT sẽ giảm giá cùng với các đồng tiền khác mỗi khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác.
"Ở thời điểm hiện tại, tương đối dễ để lý giải diễn biến tỷ giá đồng NDT trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực kiểm soát tỷ giá so với một rổ tiền tệ", chuyên gia cấp cao Brad Setser thuộc Hội đồng Đối ngoại ở Washington, một cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phát biểu. "Nhưng nếu có vẻ như có nỗ lực khiến đồng NDT giảm giá mạnh để bù đắp tác động của thuế quan, diễn biến tỷ giá sẽ bị để ý nhiều hơn".
Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu TS Lombard, Bo Zhuang, cho rằng Bắc Kinh có thể đang sử dụng chiến thuật giảm giá NDT để gửi đi một tín hiệu đến Washington, nhưng một sự phá giá sâu đồng tiền có thể phản tác dụng đối với Trung Quốc. "Nhiều nhà tham gia thị trường đồn đoán rằng Trung Quốc đang dùng NDT như một vũ khí, dùng sự giảm giá đồng tiền để bù đắp ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc”. Nghi ngờ này xuất phát từ việc tỷ giá NDT giảm rõ rệt vào đúng thời điểm xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh. Song có nhiều ý kiến khác cho rằng ở thời điểm hiện tại, sự giảm giá của NDT và căng thẳng thương mại gia tăng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Ông Bo Zhuang cho rằng lần này các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cân nhắc việc phá giá như một lựa chọn, và cảnh báo rằng nếu Trung Quốc dùng ngoại hối dự trữ để ngăn nội tệ giảm giá có thể mang theo những rủi ro lớn, bởi "Bất kỳ lợi ích nào từ một đợt phá giá mạnh đồng NDT cũng thể bù đắp lại được hệ quả tiêu cực: dòng vốn tháo chạy, thanh khoản trong nước thắt chặt, và khả năng căng thẳng tín dụng gia tăng".
Chiến lược gia tiền tệ Win Thin của Brown Brothers Harriman cũng nghi ngờ về khả năng Trung Quốc sẽ bán trái phiếu kho bạc Mỹ để trả đũa Mỹ. "Đó sẽ là một con dao hai lưỡi, bởi Trung Quốc chính là nước nắm nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất. Bán trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ là một lựa chọn nguy hiểm và không mang lại lợi ích cho ai cả".
Còn nhớ, trong năm 2015-2016, PBoC rút khoảng 1 nghìn tỷ USD khỏi dự trữ ngoại hối để chống lại kỳ vọng của thị trường về sự giảm giá của NDT.
Một số chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc không cố tình giảm giá đồng nội tệ, nhưng có khả năng nước này trước đây đã hạn chế đà giảm của NDT, và giờ thì đang nới lỏng hạn chế này. "Có vẻ như trước đây Trung Quốc đã hạn chế đà tăng của đồng USD so với NDT… Họ đã không để NDT giảm giá nhiều như lẽ ra phải có. Tôi cho rằng bây giờ họ đang nói: ‘Mỹ không chơi đẹp, vậy thì chúng tôi sẽ để cho tỷ giá NDT giảm về mức đúng của nó’", chiến lược gia trưởng Robert Sinche của Amherst Pierpont nhận định.
Dù một số chuyên gia phủ nhận khả năng Trung Quốc phá giá đồng tiền, vẫn có những đồn đoán rằng Trung Quốc có thể "buông" cho NDT giảm giá mạnh hơn.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến nhấn mạnh việc đồng USD gần đây đã giảm giá trở lại so với một số đồng tiền chủ chốt khác, nhưng đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi vẫn chịu sức ép giảm mạnh so với USD bởi ông Trump tiếp tục đưa ra những lời đe dọa về thuế quan và thương mại.
Ngoài việc sử dụng công cụ tỷ giá, Trung Quốc còn một vài lựa chọn khác để đấu với Mỹ về thương mại, bao gồm kế hoạch đánh thuế hàng Mỹ đã được công bố. Trung Quốc cũng có thể tẩy chay một số mặt hàng của Mỹ, gây khó dễ cho các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, hoặc giảm mua trái phiếu kho bạc Mỹ.