Mức sụt giảm này nhiều hơn so với mức dự báo giảm 10,1% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, đồng thời cao hơn nhiều so với mức giảm 1,0% trong tháng 2/2020, phản ánh nhu cầu đối với hàng hóa Nhật Bản trên thị trường quốc tế giảm mạnh do sự bùng phát của virus corona. Đây là mức xuất khẩu đã giảm sâu nhất kể từ tháng 7/2016.
Xu hướng giảm này kéo dài từ tháng 2, sau khi xuất khẩu đã giảm 1% trong tháng 2 vừa qua – nhiều nhất kể từ tháng 7/2016, do xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt của Nhật là Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu đều bị ảnh hưởng.
Tính trong 3 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu của Nhật Bản giảm 5%, ít hơn mức giảm 9,8% ước tính trước đó.
Tính theo khu vực, lượng hàng xuất khẩu vào Trung Quốc, đối tác lớn nhất của Nhật Bản giảm 8,7% trong tháng 3, phần lớn là các mặt hàng như linh kiện xe hơi và các thiết bị sản xuất chip. Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm kỷ lục trong quí 1, khi dịch cúm Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tái khởi động lại nền kinh tế thì nhu cầu thế giới vẫn giảm mạnh, trong khi các nước khác tiến hành phong tỏa.
Xuất khẩu sang Mỹ - phần lớn là đối với các mặt hàng như xe hơi và đồ điện tử - đã giảm 16,5% trong tháng 3/2020 so với cùng tháng năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2011. Phần lớn là do nhu cầu xe hơi và các thiết bị xây dựng và khai khoảng giảm mạnh.
Xuất khẩu sang Châu Á – nơi chiếm hơn ½ tổng xuất khẩu của Nhật, đã giảm 9,4% trong tháng 3/2020, trong khi xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu giảm 11,1%, tất cả đều do Covid-19.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Nhật Bản cũng đã giảm 5,0%, nhưng thấp hơn so với ước tính giảm 9,8% từ thăm dò ý kiến của Reuters và giảm 13,9% trong tháng trước. Cán cân thương mại của Nhật Bản tháng 3/2020 thặng dư 4,9 tỷ yên, thấp hơn so với ước tính trung bình thặng dư 420,0 tỷ yên từ thăm dò ý kiến của Reuters.
Những dữ liệu trên càng làm dấy lên lo ngại về việc chính quyền Tổng thống Shinzo Abe phải đối mặt khi kinh tế thế giới đang giảm sâu nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 1930.
Trong bối cảnh Covid-19 đe dọa đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi sâu vào suy thoái, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy một gói kích thích kinh tế mới để tăng số tiền mặt hỗ trợ cho người dân. Ngày 20/4, Thủ tướng Abe đã thông báo gói kích thích mới chưa đầy hai tuần sau khi thông qua kế hoạch chi 108,2 nghìn tỷ yen (1 nghìn tỷ USD), theo đó hỗ trợ 300.000 yen cho các hộ gia đình có thu nhập giảm mạnh do dịch bệnh.
Theo dự thảo, gói kích thích mở rộng có tổng giá trị 117,1 nghìn tỷ yen (1.086 tỷ USD), với các biện pháp tài khóa chiếm chưa đến một nửa. Khoảng 25,7 nghìn tỷ yen sẽ được lấy từ ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020 (bắt đầu từ ngày 1/4), so với ngân sách bổ sung ban đầu là 16,8 nghìn tỷ yen.
Thủ tướng Shinzo Abe đang phải cân nhắc việc hỗ trợ 100.000 yen mỗi công dân thay vì 300.000 yen cho mỗi hộ gia đình với số lượng hạn chế, ngay cả khi gói kích thích mới có quy mô tăng gấp ba so với con số 12 nghìn tỷ yen theo kế hoạch ban đầu. Việc mở rộng chương trình kích thích được đánh giá là có thể hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng vốn đóng góp hơn một nửa nền kinh tế, trong khi những người khác tin rằng phần lớn số tiền hỗ trợ sẽ được dành để tiết kiệm thay vì chi tiêu để thúc đẩy nền kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng Ryutaro Kono của BNP Paribas Securities nhận định rằng, vì người giàu và những người không bị ảnh hưởng thu nhập cũng nhận được hỗ trợ, tiền tiết kiệm cũng sẽ tăng. Ngay cả khi số người chịu tác động về kinh tế trong thời gian này lớn hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, tỷ lệ tiền hỗ trợ sẽ được chi ước tính khoảng 40%, chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP 0,3 điểm phần trăm.
Song song với đó, Nhật Bản đang dự định phát hành đợt trái phiếu bổ sung hơn 25.691 tỷ yen (238,24 tỷ USD) để cung cấp nguồn tài chính bổ sung cho việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Con số này cao hơn so với mức dự kiến ban đầu là 16.800 tỷ yen, sau khi Nhật Bản mở rộng chương trình cung cấp tiền mặt hỗ trợ các hộ gia đình trong giai đoạn dịch bệnh.
Vào tháng 3/2020, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng Ba với cam kết tăng cường mua tài sản và thông qua một chương trình mới để bơm tiền cho các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu. Ngân hàng này sẽ thảo luận thêm các biện pháp nhằm tháo gỡ những căng thẳng về tài trợ doanh nghiệp khi đánh giá về lãi suất trong tháng này.
Chi tiêu ngân sách của Nhật Bản sẽ ở mức 48.400 tỷ yen, trong đó có khoảng 25.600 tỷ yen đến từ ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020-2021 (bắt đầu từ ngày 1/4/2020).
Kinh tế Nhật Bản hiện đang đứng trước nguy cơ suy thoái ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát khi giảm 1,8% trong quý IV/2019. Kể từ đó, ngành du lịch Nhật Bản sụt giảm mạnh trong khi lĩnh vực thương mại nước này rơi vào tình trạng đình trệ và dịch Covid-19 khiến Tokyo phải hoãn tổ chức Thế vận hội 2020, sự kiện được kỳ vọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế trong nước tăng trưởng.

Nguồn: VITIC/Reuters