Ảnh hưởng bởi Covid-19, xuất khẩu giảm
Kết quả khảo sát gần 130 nghìn doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Khảo sát trên cho thấy, hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN...
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5/2020, xuất nhập khẩu của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện so với tháng 4/2020 nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5/2020 đạt 37,9 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 4/2020 nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với 5 tháng năm 2019.
Riêng về xuất khẩu, trong tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng 4/2020 và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 4/2020 và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI cũng tăng 7,6% so với tháng 4/2020 và giảm 22,3% so với cùng kỳ, đạt 11,9 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô). So với tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều tăng trong tháng 5/2020.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,30 tỷ USD. “Đây được xem là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (bao gồm cả dầu thô) giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (ước đạt 66,06 tỷ USD) do tác động tiêu cực của dịch Covid-19”, Bộ Công Thương chỉ rõ.
5 tháng đầu năm, kim ngạch của cả ba nhóm ngành quan trọng đều giảm, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp theo là đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%. Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,5%). Tháng 5, Việt Nam ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 5 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 1,88 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD của 5 tháng đầu năm 2019.
Như vậy tiếp nối tháng 4, hoạt động thương mại trong tháng 5 của Việt Nam mặc dù đã có những khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong 5 tháng vẫn là những thị trường lớn như: Mỹ và Trung Quốc, trong khi đó những thị trường lớn khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc lại giảm.
Tín hiệu sáng những tháng cuối năm
Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Còn tại Mỹ, tính đến cuối tháng 5/2020, tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung.
Ngay khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ Công Thương đã sớm tính đến việc triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản. Trung Quốc là thị trường đầu tiên được nhắm tới với sự kiện mở đầu là Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc, thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai bên. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”. Với gần 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là thị trường có tiềm năng để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam khai thác.
Đặc biệt, để xúc tiến tiêu thụ trái vải, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020, dự kiến vào đầu tháng 6/2020. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến, đầu cầu tại Bắc Giang, kết nối 62 tỉnh thành và với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) - là 2 tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020 tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19. Cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, năm đầu thực thi, CPTPP mang lại kim ngạch xuất khẩu cao hơn dự báo. Việc EVFTA được phê duyệt được kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu xuất khẩu tích cực hơn trong thời gian tới.
“Với các FTA sắp có hiệu lực như EVFTA hay FTA Việt Nam-Cuba thì việc tuyên truyền về lợi ích cũng như cách tận dụng các lợi ích này, đặc biệt là thông qua quy tắc xuất xứ. Bộ Công Thương cũng dự kiến làm việc với các hiệp hội để rà soát các kiến nghị cho các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm.
Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty của Mỹ sớm di dời nhà máy tại Trung Quốc.
Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam: LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng; Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple - đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.