Trong khi Malaysia, Thái Lan và Việt Nam nhìn thấy lợi ích từ tăng trưởng kinh tế, mở rộng thương mại và tiếp cận Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), sự thay đổi này cũng có thể khiến các quốc gia ASEAN không tham gia BRICS chịu thiệt và gặp bất lợi. Những phức tạp tiềm ẩn trong cam kết thương mại của ASEAN có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị trong khu vực, khi các quốc gia phương Tây có thể coi đây là một động thái nghiêng về phía Trung Quốc và Nga.
Sự quan tâm của các nước Đông Nam Á đối với BRICS thể hiện sự điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh thế giới ngày bất ổn. Việc Indonesia chính thức gia nhập BRICS vào tháng 1/2025, cùng với Malaysia, Thái Lan và Việt Nam tham gia với tư cách đối tác vào tháng 10/2024, phản ánh cách tiếp cận linh hoạt của khu vực trong việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và kinh tế. Tuy mang lại nhiều cơ hội, nhưng sự gắn kết này có thể đặt ra thách thức đối với tính gắn kết và nguyên tắc trung tâm của ASEAN
BRICS mở ra các cơ hội mới về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thương mại và tiếp cận nguồn tài chính phát triển. Đối với Indonesia, tư cách thành viên BRICS giúp nước này tăng cường kết nối với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tiếp cận được nguồn vốn từ NDB. Tổng thống Prabowo Subianto từng nhấn mạnh: "Một nghìn bạn bè vẫn là quá ít, nhưng một kẻ thù đã là quá nhiều", thể hiện cam kết của Indonesia trong việc xây dựng các quan hệ đối tác đa phương.
Malaysia coi BRICS là nền tảng để thúc đẩy các lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ. Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định rằng sự tham gia của Malaysia không nhằm liên kết với bất kỳ khối nào mà là để thích ứng với những thay đổi toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại tia hi vọng giúp cân bằng cục diện toàn cầu.
Với BRICS chiếm 22,8% tổng thương mại quốc tế, Thái Lan coi tư cách thành viên như một cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tiếp cận các thị trường mới.
Sự tham gia của một số nước ASEAN vào BRICS có thể làm gia tăng lo ngại về tính thống nhất của khối. Việc một số thành viên thắt chặt quan hệ với BRICS có thể khiến ASEAN bị chia rẽ trong định hướng chiến lược và lập trường địa chính trị. Các quốc gia không tham gia BRICS có nguy cơ bị thiệt thòi về kinh tế và phát triển, khi các nước thành viên BRICS có quyền tiếp cận nguồn tài chính và lợi ích thương mại độc quyền từ khối này, bao gồm các khoản vay ưu đãi từ NDB.
Việc Indonesia gia nhập BRICS có thể giúp nước này nhập khẩu dầu từ Nga với điều kiện thuận lợi hơn, có khả năng gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á không thuộc BRICS. Ngoài ra, sự nhiệt tình của một số thành viên ASEAN đối với BRICS còn phản ánh sự hoài nghi về hiệu quả của ASEAN trong việc thúc đẩy thương mại nội khối, đặc biệt là khi các rào cản phi thuế quan vẫn tồn tại từ các nền kinh tế lớn trong khu vực.
Sự tham gia của ASEAN vào BRICS vẫn chủ yếu được thúc đẩy bởi các lợi ích kinh tế, và một số nhà phân tích cho rằng vai trò trung tâm của ASEAN sẽ tiếp tục được duy trì. Việc một số quốc gia ASEAN đồng thời là thành viên của nhiều tổ chức có thể giúp họ giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động. Tác động dài hạn đối với sự gắn kết của ASEAN sẽ phụ thuộc vào cách BRICS phát triển trong tương lai.
Việc Đông Nam Á mở rộng quan hệ với BRICS không chỉ ảnh hưởng đến ASEAN mà còn tác động đến cân bằng quyền lực toàn cầu. Mỹ và các đồng minh có thể coi đây là dấu hiệu ASEAN đang nghiêng về Trung Quốc và Nga. Việc Trung Quốc thúc đẩy mở rộng BRICS phù hợp với tham vọng định hình một trật tự thế giới mới, thách thức sự thống trị của phương Tây. Dù các nước ASEAN tham gia BRICS khẳng định cam kết với chính sách đối ngoại cân bằng, nhưng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm phức tạp thêm các mối quan hệ này.
Việc ông Donald Trump quay lại vị trí Tổng thống Mỹ làm trầm trọng thêm những căng thẳng này với các chính sách thuế quan mới, bao gồm mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này dẫn đến các biện pháp trả đũa, chẳng hạn như áp thuế quan, kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng và điều tra chống độc quyền đối với Google cũng như các công ty Mỹ. Trong khi đó, chính sách nhập cư khắt khe của ông Trump, đặc biệt là những thay đổi đối với thị thực H-1B, có thể gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ, từ đó ảnh hưởng đến tương lai của liên minh Bộ Tứ (Quad) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Khi những bất ổn kinh tế và địa chính trị ngày càng leo thang, các quốc gia ASEAN có thể tiếp tục đa dạng hóa quan hệ đối tác, khiến cam kết của BRICS về phát triển công bằng và khả năng tiếp cận NDB trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn.
Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng tư cách thành viên BRICS có thể làm phức tạp thêm các cam kết thương mại của ASEAN, nhất là khi BRICS tìm cách phát triển các hệ thống tài chính và thương mại mới, có thể khác biệt với RCEP hay CPTPP. Đề xuất của Nga về một hệ thống thanh toán xuyên biên giới của BRICS sử dụng blockchain để giao dịch bằng nội tệ có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, nhưng cũng có thể xung đột với cơ sở hạ tầng tài chính hiện tại của ASEAN. Việc Nga đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc của BRICS có thể tạo ra các cơ chế thương mại song song, buộc ASEAN phải điều chỉnh chính sách để duy trì khả năng tương thích với thị trường toàn cầu.
Một chiến lược "ASEAN+BRICS" có thể giúp ASEAN giải quyết những thách thức này bằng cách tích hợp các sáng kiến của BRICS vào chương trình nghị sự khu vực rộng lớn hơn của khối. Malaysia, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025, có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai khối, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.
Các diễn đàn hiện có như Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN có thể được sử dụng để điều phối các sáng kiến của BRICS với các mục tiêu chiến lược của ASEAN. Mời quốc gia giữ chức Chủ tịch BRICS tham gia các cuộc thảo luận này có thể là bước đầu tiên để tăng cường hợp tác.
Cuối cùng, ASEAN cần thúc đẩy sự phối hợp nội bộ chặt chẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch ASEAN để duy trì tính trung lập. Điều này sẽ giúp ASEAN vừa tận dụng được các cơ hội từ BRICS, vừa giữ vững vị thế trung tâm trong khu vực, đồng thời duy trì quan hệ ổn định với các cường quốc phương Tây.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters