Trong thời gian qua, để đón đầu cơ hội thị trường khi hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp dệt may và triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc phát triển các khu công nghiệp dệt may với quy mô lớn, đồng bộ và thu hút các dự án đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng các sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế xã hội của các địa phương thông qua giảm áp lực nhập siêu, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách nhà nước.

Các khu công nghiệp dệt may được thành lập vừa qua đều có quy mô khá lớn về vốn đầu tư và nhu cầu sử dụng lao động với định hướng trở thành khu sản xuất tập trung các sản phẩm dệt may, bao gồm tự sản xuất sợi, dệt nhuộm, nguyên phụ liệu đến thành phẩm. Trong đó, các khâu sản xuất nhuộm, dệt nhuộm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Vì vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi triển khai các khu công nghiệp dệt may sẽ có những nguy cơ, ảnh hưởng nhất định về môi trường, xã hội, do đó cần được đánh giá, giám sát cụ thể. Đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, nhập khẩu thiết bị, công nghệ trong các dự án sản xuất sản phẩm dệt may để hạn chế việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng sang Việt Nam…

Để phát huy hiệu ứng tích cực của TPP đối với ngành dệt may của Việt Nam và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực về môi trường, xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương cần cân nhắc khi thành lập các khu công nghiệp dệt may.

Theo đó, các khu công nghiệp dệt may cần đáp ứng các yêu cầu về môi trường và công nghệ theo quy định của pháp luật; có kế hoạch giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp dệt may và các dự án có khâu nhuộm, dệt nhuộm…

“Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may, tuân thủ chặt chẽ các quy trình thẩm tra, đánh giá dự án đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, trong đó chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư” – Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Phạm Hà Nam