Trong báo cáo đánh giá kinh tế 8 tháng năm 2015 của Bộ Ngoại giao, việc Việt Nam điều chỉnh tỉ giá VND vừa thể hiện sự phản ứng chủ động, nhanh nhạy và cần thiết, góp phần quan trọng giảm thiểu các các tác động không thuận của biến động phức tạp trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá một mặt có thể làm giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, tạo cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá xuất khẩu đối với một số mặt hàng gia công – chế biến (dệt may, da giày, điện tử-điện thoại…). Tuy nhiên, việc này sẽ tác động không lớn đến xuất khẩu nông sản, khoáng sản, bởi đây là những mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu và khó thay thế.
Đồng NDT giảm giá có thể gây sức ép nhiều hơn đối với hàng tiêu dùng trong nước đang cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc, hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu trong nước và/hoặc từ nước thứ ba. Giảm giá NDT có thể có tác động làm tăng nhập siêu với Trung Quốc nhưng tác động không nhiều bởi nhập siêu chủ yếu xuất phát từ cơ cấu thương mại và khác biệt trình độ phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cụ thể theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2005 đến trước khi phá giá NDT tháng 8/2015, đồng NDT lên giá so với đồng USD khoảng hơn 30% nhưng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn tăng nhanh trong 10 năm qua.
Dù vậy, Bộ Ngoại giao cho rằng đồng NDT giảm giá cùng với biến động thị trường tiền tệ quốc tế có thể làm tăng kì vọng giảm giá đồng VND, thúc đẩy tâm lí đầu cơ, găm giữ USD và ngoại tệ mạnh trong doanh nghiệp và người dân, đồng thời gây biến động mạnh hơn cho thị trường vàng trong nước. Từ đó, gây khó khăn hơn cho điều hành tài chính tiền tệ.
Để giảm thiểu tác động không thuận của biến động thị trường tiền tệ quốc tế, Bộ Ngoại giao khuyến nghị cần tăng cường theo dõi, dự báo diễn biến kinh tế, tài chính thế giới, nhất là diễn biến suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, động thái của các đối tác quan trọng như Mỹ, Nhật, EU… và phản ứng chính sách tài chính, tiền tệ của các nước.
Hà Bình