Các chuyên gia đồng thuận rằng cú sốc thuế quan này sẽ làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, trong khi lo ngại về lạm phát sẽ tạm thời nhường chỗ cho nguy cơ tăng trưởng giảm tốc. Diễn biến này càng củng cố kỳ vọng của thị trường về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất, với khả năng hạ lãi suất ngay trong tháng 4/2025.
Các chuyên gia của ngân hàng ABN Amro, dẫn đầu bởi trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô Bill Diviney, dự báo hoạt động kinh tế của châu Âu sẽ chậm lại rõ rệt. “EU đã bị áp thuế 20%. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh trong các tháng tới và do đó, chúng tôi hạ đáng kể dự báo tăng trưởng năm 2025”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo ABN Amro, tăng trưởng theo quý nhiều khả năng sẽ tiệm cận mức 0 trong ngắn hạn, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy giảm. “Chúng tôi dự kiến tăng trưởng sẽ chạm đáy trong quý III/2025, phục hồi vào cuối quý IV/2025 và tăng tốc trong năm 2026”, ông Diviney nói thêm.
Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng bất kỳ sự phục hồi nào cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố hỗ trợ, như khả năng Mỹ giảm bớt thuế quan, chuyển hướng thương mại sang thị trường thay thế, hoặc các biện pháp can thiệp của chính phủ nếu tình hình kinh tế xấu đi nhanh.
Về lạm phát, ABN Amro cho rằng cú sốc thuế quan cùng với nhu cầu toàn cầu suy giảm có thể khiến lạm phát thực tế thấp hơn mục tiêu 2% của ECB, đặc biệt do giá năng lượng chịu áp lực giảm.
Ngân hàng Bank of America cũng đồng tình với nhận định này, ước tính các biện pháp thuế của Mỹ có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong đó, GDP của Mỹ có thể giảm tới 1,5 điểm phần trăm, Trung Quốc và khu vực đồng euro lần lượt giảm khoảng 1 và 0,4–0,6 điểm phần trăm.
“Đối với khu vực đồng euro, nếu không có nới lỏng thuế quan, điều này có thể dễ dàng làm giảm 0,4 – 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng trong vài quý tới, kể cả với một số biện pháp trả đũa có chọn lọc từ phía EU”, nhà kinh tế Ruben Segura Cayuela nhận định.
Bank of America cho rằng tác động lạm phát từ các biện pháp trả đũa sẽ khá hạn chế. Ví dụ, nếu EU nâng thuế 10% với hàng nhập từ Mỹ, thì lạm phát tổng thể chỉ tăng khoảng 5 điểm cơ bản, và lạm phát lõi tăng dưới 10 điểm cơ bản.
“Thiệt hại về tăng trưởng kinh tế sẽ lấn át hoàn toàn tác động lạm phát”, ông Cayuela cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng diễn biến mới càng củng cố khả năng ECB cắt lãi suất ngay trong tháng 4/2025. Ngoài ra, ECB tiếp tục dự báo rằng sẽ có các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp, đưa lãi suất tiền gửi xuống mức 1,5% vào tháng 9/2025.
Ông Carsten Brzeski – Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu của ING – ví quyết định áp thuế 20% từ Mỹ như “một cơn sóng thần” gợi nhớ đến làn sóng bảo hộ thương mại của những năm 1930.
“Đòn thuế này sẽ giáng đòn nặng vào nền kinh tế châu Âu trong ngắn hạn,” ông cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh ảnh hưởng không chỉ nằm ở thương mại mà còn cả tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp – yếu tố có thể kéo giảm chi tiêu và đầu tư.
ING đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro năm 2025 từ 0,7% xuống còn 0,6%, và năm 2026 từ 1,4% xuống 1,0%.
Nhóm phân tích kinh tế Châu Âu của Goldman Sachs cũng đưa ra nhận định thận trọng, cho biết tăng trưởng năm 2025 đã được dự báo ở mức 0,8% – thấp hơn dự báo của ECB và thị trường – và đã tính đến ảnh hưởng giảm 0,7% GDP do căng thẳng thương mại.
“Với việc mức thuế được công bố cao hơn dự đoán tại cả châu Âu và châu Á, cùng với quan điểm rắn từ chính quyền Mỹ, khiến rủi ro leo thang thương mại tăng cao”, nhóm phân tích này cảnh báo, đồng thời cho biết trong kịch bản tiêu cực, khu vực đồng euro có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Goldman Sachs cũng hạ dự báo lạm phát do đồng euro mạnh hơn và áp lực giảm phát từ dòng thương mại chuyển hướng, đặc biệt từ Châu Á. Ngân hàng này dự báo ECB sẽ cắt lãi suất nhiều lần, đưa lãi suất tiền gửi về mức 1,75% vào tháng 7/2025, và khả năng cắt giảm ngay trong tháng 4/2025 là rất cao.